Theo đó, Liên bộ Tài chính Công Thương đề xuất tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ, diễn biến cung cầu về xăng A95 trong quý I/2018 để công bố giá cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu theo đúng ý kiến chỉ đạo.
Bộ Tài chính cho hay kể từ đầu tháng 2/2017 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 4 đợt điều chỉnh. Các đợt điều chỉnh được sự linh hoạt và hài hóa – có lên, có xuống, đồng thời đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, kể từ đầu năm 2018, Việt Nam bắt đầu đưa xăng E5 vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, thay thế cho xăng A92.
Điều này đã xuất hiện một thực trạng sau khi xăng A92 – vốn là mặt hàng xăng khoáng phổ biến ngừng lưu hành, người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn đối với xăng A95.
Trong khi 4 đợt điều chỉnh gần đây nhất, Liên bộ Tài chính – Công Thương vẫn chưa xây dựng được mức giá cơ sở đối với xăng A95. Điều này đã khiến dư luận có hiểu lầm là việc công bố giá bán lẻ xăng dầu chưa được minh bạch.
Trước vấn đề mà dư luận nêu, Liên bộ Tài chính – Công Thương đang thu thập số liệu, thông tin về tiêu chuẩn khí thải, diễn biến cung cầu thị trường, sức tiêu thụ của xăng A95 cùng với tình hình nhập khẩu, chi phí đầu vào, thuế… để công bố giá cơ sở phù hợp.
Trên cơ sở các kết quả, số liệu khảo sát, Liên bộ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 83 theo chỉ đạo của Thủ tướng để phù hợp với công tác điều hành giá cả theo tình hình mới.
Cũng theo Bộ Tài chính, đối với công tác bình ổn giá xăng dầu vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Liên bộ Tài chính – Công Thương cũng đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định giá bán lẻ trong nước, đảm bảo trật tự an toàn vui chơi lành mạnh của người dân.