Vì sao cổ phiếu ngân hàng bị thờ ơ?

Cổ phiếu ngân hàng từng được coi là “cổ phiếu vua” trên thị trường nhưng thời gian gần đây lại phải nhận sự thờ ơ của nhà đầu tư. Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Quy mô vốn quá lớn, mức độ loãng cổ phiếu tăng nhanh

Nếu như cách đây 4 năm, trên sàn mới chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng được niêm yết là ACB và STB thì hiện nay, trên cả 2 sàn chứng khoán đã lên đến con số 6, chưa kể các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết.

Với việc phải đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) về vốn điều lệ, tổng tài sản và các chỉ số an toàn vốn khác, các ngân hàng đã và sẽ không ngừng tăng vốn điều lệ, góp phần gây ra tình trạng pha loãng cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng không còn hiếm như trước kia nữa. Khối lượng giao dịch các cổ phiếu ngân hàng đã có lúc lên đến 20 triệu đơn vị/phiên. Điều này chứng tỏ dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này rất lớn, hạn chế khả năng làm giá cổ phiếu. Vì vậy, cổ phiếu ngân hàng thường chỉ tăng giá trần được 1 - 2 phiên là đã bị xả mạnh, trong khi ở các nhóm cổ phiếu khác, mức độ tăng có thể từ 3- 5 phiên liên tục khi nguồn cung bị "bóp" lại.

 

Những khó khăn trong việc đáp ứng các quy định của NHNN

Thông tư 13 mới được ban hành như một "gáo nước lạnh" dội vào hoạt động của các ngân hàng. Nó không chỉ khiến ngân hàng phải rà soát các khoản cho vay của mình mà còn có khuynh hướng hạn chế ngân hàng tham gia vào các hoạt động kinh doanh có mức độ rủi ro cao. Rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Do vậy, khi mức độ rủi ro giảm đi thì lợi nhuận kỳ vọng sẽ khó có thể cao như trước. Lợi nhuận sẽ ổn định hơn và dòng tiền đầu cơ sẽ ít tìm đến nhóm cổ phiếu này.

Các khoản cho vay chứng khoán và cho vay bất động sản được xác định hệ số rủi ro là 250%. Ngân hàng cho vay các khoản này sẽ phải đòi hỏi lãi suất rất cao đối với khách hàng. Khi đó, nhu cầu vay sẽ giảm mạnh khiến cho ngân hàng mất đi một phần thu nhập quan trọng. Theo ước tính, dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 10 - 20% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Những ngân hàng như ACB, STB, EIB năm nay cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận do một phần lớn lợi nhuận từ việc kinh doanh vàng tài khoản đã không còn.

Hơn nữa, việc phải đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng trên nguồn vốn huy động (không quá 80%) thì các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động. Lãi suất tăng cao hơn sẽ khiến cho thu nhập ngân hàng giảm đi.

 

Cổ phiếu ngân hàng sẽ khó hấp dẫn

Để hấp dẫn nhà đầu tư thì lợi nhuận kỳ vọng của các ngân hàng năm nay cũng sẽ tiếp tục phải tăng mạnh, đặc biệt là trong 2 quý cuối năm bởi 2 quý đầu năm, lợi nhuận của nhiều ngân hàng không có sự tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ 5 - 10% là phổ biến. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Phần chìm của tảng băng vẫn còn chưa hiện ra. Đó là việc nhiều ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng chung lên mức 0,75% theo quy định của NHNN. Tỷ lệ này đã được NHNN đưa ra cách đây 5 năm và đến hạn là năm nay. Nhưng dường như tỷ lệ này đã bị lãng quên và mới chỉ được NHNN nhắc lại trong vài tháng gần đây. Trong khi nửa đầu năm, nhiều ngân hàng đã quên chưa trích tỷ lệ này hoặc chỉ trích dự phòng một phần thấp hơn mức 0,75%. Do vậy, các ngân hàng sẽ phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng nhiều hơn trong nửa cuối năm.

Với tình hình như trên, cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có thể tăng giá được mặc dù P/E bình quân hiện tại của ngành này đang ở mức rất thấp, chỉ từ 8 - 10 lần. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện mang tính phòng thủ hơn là tính đầu cơ.

Hà Phú Nguyên
Hà Phú Nguyên