Vì sao câu hỏi "trách nhiệm" của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI dậy sóng thị trường chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tối qua (9/3), cộng đồng nhà đầu tư lại dậy sóng vì một câu status hỏi “Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Ủy ban chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?" trên Facebook của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SSI, và cũng là một KOL (người có ảnh hưởng) trên thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh SSI) Ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh SSI)

Ai chịu trách nhiệm xử lý nghẽn lệnh? Câu hỏi mà nhà đầu tư đã đặt ra gần 3 tháng, và không có cái tên nào được đưa ra, nhưng giờ đây khi FPT vào cuộc thì đã có 2 cái tên được ông Hưng chỉ ra gồm FPT và Ủy ban Chứng khoán!

Điểm đáng chú ý nhất, câu “tút” của ông Hưng hỏi trực diện trước thông tin mà Bộ Tài chính công bố trên website trước đó, ít phút sau cuộc họp với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán rằng:Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán”.

Tất cả chỉ đang ở mức bàn, nhận định, đề ra giải pháp khả thi nhất để bắt tay triển khai. Giải pháp thành công đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dữ liệu đầu vào mà FPT đã được tiếp nhận, năng lực triển khai của FPT với một việc khá mới, lực chọn giải pháp của Bộ Tài chính... Nên những nghi ngờ về thành công của giải pháp này, nếu có hoàn toàn bình thường.

Ảnh chụp màn hình facebook của ông Nguyễn Duy Hưng lúc 12h20 ngày 10/3

Ảnh chụp màn hình facebook của ông Nguyễn Duy Hưng lúc 12h20 ngày 10/3

Nhưng câu hỏi ông Hưng đặt ra thực sự đáng suy ngẫm, nhất là góc độ “ai chịu trách nhiệm” mà thị trường đang đặc biệt quan tâm. Có rất nhiều bình luận của nhà đầu tư dưới status của ông Hưng như “Thế trách nhiệm lâu nay ai gánh thế”, “3 tháng nay nghẽn có thấy ai chịu trách nhiệm gì đầu”, “Thời gian qua nghẽn lệnh liên tục sao không thấy bác hỏi xem ai phải chịu trách nhiệm nhỉ”, “Hôm nọ phần mềm giao dịch SSI bị lỗi thì ai chịu trách nhiệm”...

Với kinh nghiệm tham gia xây dựng hệ thống phần mềm cho sàn Hà Nội thời kỳ đầu, khi Tập đoàn FPT đem vấn đề xử lý nghẽn lệnh của sàn HOSE kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, trả lời công khai với báo chí, làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính tức là họ đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng chịu trách nhiệm với những điều nói và đề xuất.

Nhưng ai có quyền đặt cái gánh nặng “chịu trách nhiệm” lên vai FPT?

Chẳng có đạo lý nào quy trách nhiệm cho một người mà trong lúc ta khó khăn bối rối họ ghé vai vào cùng gánh vác khó khăn. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm trước cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết và trách nhiệm trước Chính phủ về sự vận hành thông suốt của thị trường.

Trước khi câu chuyện được kiến nghị lên Thủ tướng, thị trường chứng khoán sôi sục vì các giải pháp rồi ngơ ngác không hiểu ai là người chịu trách nhiệm trả lời, xử lý nghẽn lệnh của thị trường. Bây giờ thì câu hỏi ai chịu trách nhiệm đã rõ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán. Trong thời gian chờ đợi giải pháp cơ bản về công nghệ, các cơ quan trong Bộ Tài chính phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp để đảm bảo thị trường giao dịch an toàn.

Áp lực của trách nhiệm

Trong buổi lễ SSI đón nhận danh hiệu anh hiệu Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới (cuối tháng 12/2020), ông Hưng đã kể câu chuyện rất có ý nghĩa về thời điểm ra đời thị trường chứng khoán cũng như SSI, công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên. Thời điểm đó có nhiều ý kiến tranh luận ở cấp cao về việc liệu có thể tồn tại thị trường chứng khoán trong chủ nghĩa xã hội hay không.

Nếu thời điểm đó, ai cũng nghĩ đến câu hỏi thị trường chứng khoán không thành công ở một nước chủ nghĩa xã hội thì ai chịu trách nhiệm, mà áp lực không dám hành động không dám quyết định thì làm gì có thị trường chứng khoán, làm gì có SSI anh hùng ngày hôm nay.

Cũng trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Chúng tôi không giỏi, chúng tôi chỉ có khát vọng là người Việt Nam chúng ta có thể làm bất cứ thứ gì”.

Khát vọng đó có còn hay không để chia sẻ với FPT?

Người viết bài tin rằng FPT không muốn làm người hùng khi đứng ra nhận nhiệm vụ xử lý nghẽn lệnh cho sàn HOSE mà họ có một mong muốn chính đáng: “ Với xu thế phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, FPT tin rằng các công ty phần mềm trong nước tương lai có thể đảm nhận việc cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường tài chính Việt Nam” - ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT đã chia sẻ như vậy.

Ông Dũng cũng chỉ ra những lợi thế và điểm chưa thuận lợi của công ty công nghệ trong nước như là nền tảng công nghệ của một số công ty có thể còn phải mất thêm thời gian để theo được tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán đòi hỏi chính xác, bền bỉ và không được phép gián đoạn. Điều đó cho thấy FPT đã có sự điều nghiên nghiêm túc trước khi nói và đề xuất.

Nhận nhiệm vụ để xử lý nghẽn lệnh sàn chứng khoán là cơ hội để FPT vươn lên làm chủ công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán. Việc áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE dù có thành công hay không thì cũng là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ tránh phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài như bài học vận hành hệ thống giao dịch đang quá tải tại HOSE hiện nay. Ngay cả khi vận hành hệ thống KRX mới của Hàn Quốc sau này, người Việt Nam cũng cần làm chủ về cộng nghệ để vận hành bảo trì nâng cấp theo nhu cầu.

Không chỉ thị trường chứng khoán, mà các sàn giao dịch hàng hóa cơ bản khác của Việt Nam còn chưa phát triển nên còn rất cần các hệ thống công nghệ giao dịch hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước thực hiện với chi phí hợp lý, đáp ứng chuẩn quốc tế và phù hợp đặc thù riêng của thị trường Việt Nam.

Nếu sợ áp lực trách nhiệm, không trao cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước cơ hội để họ thử sức, bước ra khỏi vùng an toàn và vươn lên bằng năng lực của chính mình thì làm gì có Viettel làm chủ công nghệ viễn thông, không có Vingroup sản xuất chế tạo ô tô, Vietjet là hãng hàng không tư nhân lớn, Coteccons là nhà thầu nổi tiếng thi công tòa nhà chọc trời Landmark 81....

Câu hỏi “Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Ủy ban chứng khoán chịu trách nhiệm nhỉ?” của ông Hưng thật đáng để những người có quyền lợi, có quan tâm đến thị trường chứng khoán suy ngẫm. Nếu đặt câu hỏi này từ cách đây 3 tháng xem Ủy ban chứng khoán có nhận trách nhiệm không thì chuyện xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE có lẽ không cần lên đến Thủ tướng Chính phủ.

Còn ở thời điểm này như bình luận của một nhà đầu tư dưới “tút” của ông Hưng: “Anh không làm thì đứng sang cho người khác làm” có thể không chỉ là một comment trong tút.

Nguyễn Thu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ