Vì sao các ông chủ Việt lại thích thú với mô hình holding?

Mô hình sở hữu tài sản (holding) đã và đang phát triển mạnh trên thế giới và đã chứng tỏ hiệu quả. Nhiều ông chủ Việt cũng nuôi tham vọng này thông qua nhiều động thái từ thận trọng đến quyết liệt.
Vì sao các ông chủ Việt lại thích thú với mô hình holding?

Gà đẻ trứng vàng

Tháng 9 năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (mã SAM) chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Sam Holdings. Động thái này của SAM nhằm sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới, hướng đến vị thế tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-30%.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2017, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc SAM cho biết, trong mô hình công ty holding, mảng đầu tư tài chính sẽ đóng vai trò bàn tay trái, là nền tảng sức mạnh, còn mảng bất động sản mang sứ mệnh bàn tay phải thúc đẩy tăng trưởng của cả Tập đoàn.

Cụ thể, ở mảng đầu tư tài chính - lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn, SAM sẽ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, ngắn hạn hoặc dài hạn vào các lĩnh vực trọng điểm then chốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đang IPO.

Ở mảng bất động sản, SAMLAND đang phục vụ thị trường các sản phẩm phân khúc trung bình. Ngoài ra, SAM còn sở hữu cao ốc văn phòng cho thuê - tòa nhà SCS (SAM - Chíp Sáng) tại Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM.

SAM Hodings hiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó SAM Holdings là công ty mẹ, sở hữu cổ phần chi phối các công ty con trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng (SAM Tuyền Lâm); bất động sản nhà ở (SAMLAND); nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech); dây và cáp Sacom (SAM Dây và Cáp). Ngoài ra, SAM còn có mảng bất động sản cho thuê (hợp tác với Sacom Chíp Sáng) và có vốn góp ở 5 công ty liên kết, một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Vì sao các ông chủ Việt lại thích thú với mô hình holding? ảnh 1

 Với mô hình mới, SAM Holdings hướng đến vị thế tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam vào năm 2020

Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc U&I Group nhẩm tính, nếu tính cả “công ty cháu”, thì U&I Group đang chi phối 36 công ty.

Hiện U&I hoạt động với nhiều công ty thành viên và liên doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu.

Khi nhắc đến holding, không thể bỏ qua Tập đoàn Masan. Doanh thu năm 2016 của Tập đoàn đã tăng lên gần 2 tỷ USD từ mức 1,35 tỷ USD của năm 2015. Masan thúc đẩy tăng trưởng bằng các thương vụ M&A doanh nghiệp phù hợp với lĩnh vực trọng tâm. Masan đang nắm giữ vị thế thống lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực khi nắm cổ phần chi phối ở các công ty con, cháu.

Cụ thể, đó là các công ty Masan Consumer Holdings (100%), Masan Consumer (78,4%) và Masan Brewery (100%), Masan Food (100%), Saigon Nutri Food (100%), Cholimex (32,8%), Masan Beverage (100%), Vinacafe Biên Hòa (53,2%), Vĩnh Hảo Mineral Water (63,9%), Masan Resources (74,3%), Techcombank (30,4%). Đây đều là “những con gà đẻ trứng vàng” của Masan.

Ngoài ra, có thể điểm mặt một số tên tuổi đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo cấu trúc của một công ty holding như: Hoàng Anh Gia Lai, Masan Consumer Holdings, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, Công ty cổ phần Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), Sơn Kim Investment Holdings...

Nhận diện 3 hình thức công ty holding: 

Công ty holding về kinh doanh: Công ty holding là công ty mẹ, bên cạnh việc đầu tư vốn vào các công ty con, công ty mẹ còn tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các nhà quản lý cấp cao của công ty mẹ vừa phải có trách nhiệm trong việc ra các quyết định điều hành kinh doanh, vừa phải tập trung cho các quyết định mang tính chiến lược của cả tập đoàn. 

Công ty holding về đầu tư: Công ty holding là công ty mẹ, thuần túy nắm vốn và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc đầu tư vốn vào các công ty con. Có sự tách biệt giữa việc quyết định chiến lược và quyết định điều hành kinh doanh của các nhà quản lý cấp cao ở công ty mẹ. Khác với công ty holding về kinh doanh, mô hình công ty này không được khuyến khích ở Nhật Bản và Hàn Quốc bởi những lo ngại rằng, đây sẽ là nơi tập trung quyền lực kinh tế.

Công ty holding về quản lý điều hành: Công ty holding tìm kiếm thêm lợi nhuận từ lợi nhuận của các công ty con, can thiệp trực tiếp vào các giao dịch của các công ty con. Mô hình này phù hợp cho các công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản.

Có thể nói, mô hình holding từ lâu đã được các tên tuổi ngoại sử dụng để làm mưa làm gió và lan nhanh đến Việt Nam. Điển hình là Jardine Matheson (Hồng Kông) và Ayala (Philippines). Trong đó, Jardine Matheson đã sáng lập hoặc sở hữu cổ phần chi phối rất nhiều công ty.

Chẳng hạn, Công ty Jardine Pacific (ngành xây dựng, vận tải, nhà hàng, công nghệ thông tin), Jardine Motors Group (xe hơi), JLT (bảo hiểm và tái bảo hiểm), Hongkong Land (bất động sản), Dairy Farm (bán lẻ), Mandarin Oriental (quản lý, đầu tư khách sạn), Jardine Cycle & Carriage (đầu tư vào các công ty xe hơi). Sau đó, Jardine Matheson cùng các công ty con đầu tư vào nhiều công ty nữa ở các nước khác nhau.

Tại Việt Nam, Jardine Matheson cùng các công ty con đã rót vốn vào nhiều doanh nghiệp. Đó là Ngân hàng ACB, Ô tô Trường Hải, liên doanh Hongkong Land - Đoàn Kết, siêu thị Giant nằm trong Trung tâm thương mại Crescent Mall tại Phú Mỹ Hưng, Pizza Hut Việt Nam, KFC Việt Nam.

So với Jardine Matheson, Ayala chỉ thực sự nổi lên ở Việt Nam sau thương vụ công ty con của họ là Manila Water mua 10% cổ phần của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) và Công ty Cấp nước Kênh Đông năm 2011. Hiện tập đoàn này sở hữu nhiều công ty con hoặc liên kết như Ayala Land, Globe Telecom, Manila Water, Ayala Automotive, AC Energy Holdings và dùng các công ty này để mở rộng đầu tư sang các nước khác.

Làm thế nào để sinh lời với holding?

Thông thường, mô hình holding được thiết lập nhằm sinh lời thông qua mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối tại các công ty mục tiêu mà ông chủ của nó muốn hướng đến.

Ở các nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển như Việt Nam, cấu trúc công ty holding sẽ giúp doanh nghiệp bởi các lợi ích về thuế, các vấn đề liên quan đến nhân sự, đòn bẩy tài chính, kiểm soát vốn sở hữu, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, quá trình M&A các công ty trong tập đoàn trở nên đơn giản và dễ thực hiện hơn...

Song điểm mấu chốt nhất vẫn nằm ở tính tự chủ trong hoạt động và giao dịch kinh doanh của công ty con với công ty mẹ như ông Tín nói. Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để công ty holding có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con luôn là thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề quản trị con người .

“Tất cả mọi thành hay bại là do con người. Bí quyết thành công của U&I nằm ở chỗ chúng tôi chọn người phù hợp rồi giao việc cho họ với các hỗ trợ và giám sát cần thiết. Mức độ giám sát sẽ tùy thuộc quy mô và sự phức tạp của từng doanh nghiệp. Nhưng khi chọn được người, chúng tôi sẵn sàng giao trách nhiệm với thật nhiều quyền tự quyết cho người đó”, ông Mãi Hữu Tín chia sẻ.

Ở các nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển như Việt Nam, cấu trúc công ty holding sẽ giúp doanh nghiệp bởi các lợi ích về thuế, các vấn đề liên quan đến nhân sự, đòn bẩy tài chính, kiểm soát vốn sở hữu... 

Theo ông Tín, trong holding, nếu xác định khoản đầu tư nào đó không hiệu quả, không có khả năng cải thiện thì ông sẽ cắt lỗ sớm. Nhưng một khi đã đầu tư, thì ông xác định đi dài hạn với doanh nghiệp đó, dù có khó khăn.

“Chúng tôi không phải là quỹ đầu tư, nên không buộc phải rút vốn sau một thời hạn đầu tư nhất định nào đó”, ông Tín nói và cho biết, ông quyết định theo đuổi mô hình đầu tư này không vì nó sinh lời nhanh. “Tự thân mô hình không làm sinh lợi hơn. Đơn giản nó là mô hình phù hợp để quản lý nhiều khoản đầu tư”, ông Tín cho biết.

Với một doanh nghiệp có nhiều khoản đầu tư khác nhau như U&I thì mô hình này vẫn phù hợp. Đương nhiên, nếu không có ý định chia sẻ quyền sở hữu và sự thịnh vượng cho nhiều người, nhất là cho các nhà quản lý chủ chốt, thì một văn phòng gia đình cũng làm được việc quản lý nhiều khoản đầu tư.

Như vậy, thành lập mô hình công ty holding được cho là lợi đủ đường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải là công ty “holding thực chất”, chứ không phải vì nó đã có cái tên “holding”, hoặc chỉ nhằm xử lý vấn đề thuế thu nhập của cá nhân.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục