Sự kiện hợp tác giữa Manchester City với SHB diễn ra đầu tháng 7 vừa qua một lần nữa cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa ngân hàng này với bóng đá.
Giữa mùa World Cup, khi người hâm mộ môn thể thao vua trên toàn thế giới hướng sự quan tâm về Brazil, nơi diễn ra những trận cầu đỉnh cao của các đội tuyển bóng đá quốc gia được lọt vào vòng chung kết, thì cũng là lúc, SHB ký kết hợp tác với Câu lạc bộ Bóng đá Manchester City (Anh), nhằm đưa ra thị trường sản phẩm thẻ liên kết thương hiệu. Tất nhiên, SHB không phải là ngân hàng đầu tiên triển khai hình thức này, bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đi trước.
"Đá bóng cũng như kinh doanh, phút thứ 90 chưa bao giờ có nghĩa là kết thúc" - Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội
“Việc hợp tác với Manchester City làm tăng cơ hội để SHB quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của mình tới khách hàng không chỉ trong nước mà cả các nước trong khu vực và trên toàn thế giới”, ông Hiển nói.
“Tôi xin chúc mừng SHB, đặc biệt là ông Chủ tịch, người có niềm đam mê bóng đá, đam mê kinh doanh ngân hàng rất lớn. Tôi tin rằng, sự kết hợp hai niềm đam mê ấy đã và sẽ tạo nên những thành công lớn cho SHB trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã nhận xét như vậy tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa SHB và Man City.
Không phải ngẫu nhiên bà Mai Sương lại có nhận xét như vậy.
Sau thương vụ sáp nhập Habubank về với SHB, quy mô của SHB đã tăng đột biến. Thế nhưng, từ nhiều năm trước, khi quy mô hoạt động của Ngân hàng vẫn còn hẹp, chủ yếu hiện diện ở một số thành phố lớn, thì thương hiệu SHB đã rất quen thuộc trong lòng người hâm mộ bóng đá cả nước thông qua Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng.
Tình yêu bóng đá và đam mê kinh doanh luôn song hành, có lẽ đó là cách giải thích hợp lý nhất về con người bầu Hiển.
8h30 tối, thậm chí là 10 giờ đêm các ngày trong tuần, khi hầu hết các phòng làm việc tại ngân hàng đã tắt đèn, thì toàn bộ khu văn phòng HĐQT của SHB vẫn sáng trưng. Hàng dài nhân viên chờ đến lượt vào báo cáo công việc trực tiếp cho ông Hiển. Thế nhưng, vào ngày cuối tuần, bầu Hiển vẫn có thể dành thời gian chơi bóng, hay ra sân để cổ vũ đội bóng mà SHB hay T&T tài trợ. Ông bảo rằng, ông yêu bóng đá, nhưng kinh doanh cũng là đam mê và giữa bóng đá với làm ngân hàng, ông nhận thấy có nhiều điểm chung.
“Đá bóng cũng như kinh doanh, phút thứ 90 chưa có nghĩa là kết thúc. Khi nỗ lực, thậm chí ở những giây bù giờ cuối cùng vẫn có thể thay đổi ngược cục diện trận đấu. Kinh doanh nói chung, làm ngân hàng nói riêng cũng vậy. Có những lúc phải đối mặt với thách thức, tôi luôn tự nhủ rằng, mình phải phấn đấu đến cùng, giống như cầu thủ phải nỗ lực đá đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu. Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy của tôi và tất cả anh em trong hệ thống đã tạo nên SHB ngày hôm nay, thay da đổi thịt hoàn toàn so với SHB của 10, 20 năm về trước”, ông Hiển nói.
Trong bóng đá, ghi bàn là quan trọng, cũng như hiệu quả đạt được trong kinh doanh. Có lẽ coi trọng vấn đề này, bầu Hiển rất “thoáng tay” trong việc khen thưởng các cầu thủ mỗi khi họ ghi bàn. Không ít nhân viên dưới quyền ông nhận xét rằng, bầu Hiển luôn đối xử “đẹp” với cấp dưới.
Việc hợp tác với Man City mới chỉ ở bước đầu và chưa có cơ sở để đánh giá mức độ thành công. Nhưng tình yêu bóng đá của ông chủ SHB không chỉ góp phần thúc đẩy nền bóng đá trong nước, mà còn được tin là một trong những yếu tố giúp Ngân hàng “ghi nhiều bàn thắng” trong hoạt động kinh doanh những năm qua.