Vì sao bàn giao vốn còn chậm?

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong năm 2007, số doanh nghiệp (DN) mà SCIC tiếp nhận vốn mới đạt khoảng 75% số DN phải tiếp nhận theo kế hoạch.
Số lượng Dn mà SCIC tiếp nhận vốn mới đạt khoảng 75% kế hoạch.

Tính đến cuối năm qua, SCIC đã nhận chuyển giao vốn nhà nước đối với 833 DN (trong tổng số 1.142 DN thuộc đối tượng bàn giao), với tổng giá trị sổ sách là 6.620 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, SCIC thực hiện thoái vốn đầu tư tại 25 DN, nên đến thời điểm này, SCIC thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 808 DN.

“Số tiền mà SCIC thu về cho Nhà nước tại các DN thực hiện thoái vốn gấp hơn 5 lần số vốn mà SCIC tiếp nhận ban đầu. Còn tại các DN mà SCIC đang đại diện chủ sở hữu, vốn nhà nước xác định theo giá thị trường đã lên đến 2 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần số vốn mà SCIC tiếp nhận”, Chủ tịch HĐQT SCIC Lê Thị Băng Tâm cho biết tại cuộc gặp gỡ với một số cơ quan báo chí trước khi nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ.

Lý giải việc chuyển giao vốn nhà nước tại DN còn chậm, Chánh văn phòng điều hành SCIC, ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết, đại diện phần vốn nhà nước tại DN (các bộ, ngành, địa phương) trước đây “đặc biệt coi trọng” người đại diện chủ sở hữu vốn mà không hề quan tâm đến quyền lợi của Nhà nước với tư cách là cổ đông tại DN, nên đã làm thất thoát không ít tài sản nhà nước.

“Cổ tức mà Nhà nước được chia với tư cách là cổ đông trước đây không có người thu, người đại diện cũng không biết DN chia cổ tức ra sao. Thậm chí, trong thời kỳ thị trường chứng khoán phát triển mạnh, thị giá cổ phiếu trên thị trường tăng gấp nhiều lần mệnh giá, nhưng nhiều DN đã thực hiện phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với giá bằng mệnh giá. Nhà nước là cổ đông hiện hữu, nhưng người đại diện và cơ quan chủ quản cũ hầu như không quan tâm đến vấn đề này đã dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước”, ông Hiển giải thích và cho biết, năm 2007, riêng số tiền mà SCIC thu về cho ngân sách từ việc thu cổ tức năm 2006 đã lên đến 600 tỷ đồng và nếu cộng tất cả các khoản mà SCIC thực thu về cho ngân sách (tiền thuế, tiền thoái vốn nhà nước, tiền cổ tức...) thì SCIC đã thu về cho ngân sách gần 2.000 tỷ đồng.

Theo giải thích của bà Tâm, việc chậm chuyển giao vốn một phần do đối tượng nhận bàn giao giảm vì có sự điều chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần khác do các cơ quan chủ quản cũ cố tình trì hoãn với nhiều mục đích khác nhau. “Khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng trưởng, thị giá cổ phiếu tăng gấp nhiều lần mệnh giá đã xuất hiện nhiều ‘thế lực’, trong đó có không ít cơ quan đang thực hiện vai trò ‘chủ quản DN’, lãnh đạo nhiều địa phương muốn níu kéo, trì hoãn việc bàn giao vốn hoặc bán hết vốn nhà nước tại DN. Ngoài ra, không ít tổng công ty, tập đoàn kinh tế muốn phô trương thanh thế đã thực hiện ‘gom’ các DN thuộc đối tượng bàn giao để trở thành tập đoàn kinh tế mạnh”, bà Tâm cho biết.

Vẫn theo bà Tâm, việc chậm trễ trong bàn giao vốn nhà nước tại DN còn xuất phát từ bản thân DN. Cụ thể, không ít DN thuộc đối tượng bàn giao năm 2007, nhưng khi tiến hành các thủ tục bàn giao thì phát hiện có nhiều sai sót trong báo cáo tài chính, nợ tồn đọng chưa được xử lý, thậm chí không ít DN sau khi cổ phần hóa lâm vào tình trạng thua lỗ và làm mất hết vốn; nhiều DN đã đăng ký hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng các bộ, ngành chủ quản chưa phê duyệt giá trị vốn nên không thể chuyển giao.

“Đa số DN mà SCIC tiếp nhận vốn là những DN nhỏ, thậm chí rất nhỏ, trong đó có không ít DN chỉ có số dưới 1 tỷ đồng. DN có quy mô vốn càng nhỏ càng khó tiếp nhận vốn do việc thực hiện kế toán của DN không theo đúng quy định, quản trị của DN không theo bất cứ nguyên tắc nào, thậm chí DN càng nhỏ thì tình hình kinh doanh càng khó khăn, nên đã dẫn đến kiện tụng kéo dài... Đây là một trong những khó khăn trong việc chuyển giao vốn nhà nước tại DN và quá trình tái cơ cấu DN sau khi nhận bàn giao trong thời gian tới”, ông Hiển nhận định.

Thị trường chứng khoán năm 2007 nhiều lần bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Đây là “khoảnh khắc vàng” để SCIC thực hiện vai trò điều tiết thị trường và thu vốn tối đa cho Nhà nước thông qua việc bán cổ phần tại những DN mà Nhà nước không cần sở hữu. Tuy nhiên, bà Tâm cho biết, SCIC đã không thể tận dụng những cơ hội này do nhiều quy định không hợp lý. “Nhà nước là cổ đông chiến lược mà theo quy định, sau 3 năm cổ đông chiến lược mới được chuyển nhượng cổ phiếu, nên nếu muốn chuyển nhượng cổ phiếu, SCIC chỉ có cách bán lại cho cổ đông hiện hữu. Quy định này đã đánh mất cơ hội thu hồi vốn tối đa cho Nhà nước do không được bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà buộc phải bán cho cổ đông hiện hữu, nên không thể thu hồi vốn theo giá thị trường”, bà Tâm phát biểu.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục