Vì sao 2 phiên qua nhà đầu tư tháo chạy?

(ĐTCK) Vì sao NĐT lại thi nhau tháo chạy trong 2 phiên vừa qua, đâu là nguyên nhân khiến họ hành động như vậy?
Vì sao 2 phiên qua nhà đầu tư tháo chạy?

Để trả lời câu hỏi này, người viết xin đưa ra các giả thiết theo phương pháp loại trừ các nguyên nhân để nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn.

 

Yếu tố kỹ thuật

Thời gian vừa qua, hai chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam là HNX-Index và VN-Index rất khó khăn mới có thể vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng của mình (ngưỡng 80 điểm với HNX-Index và 480 điểm với VN-Index). Chính vị vậy, khi các chỉ số vượt qua những ngưỡng này thì chúng sẽ trở thành những ngưỡng hỗ trợ vững chắc cho các chỉ số.

Với những nỗ lực đó, nếu nguyên nhân giảm điểm là sự quá mua của thị trường thì khi giảm đến các ngưỡng này, chỉ số sẽ có sự hỗ trợ nhất định, tức có sự gia tăng mua vào khiến thị trường không giảm sâu, thậm chí bật tăng trở lại.

Như vậy, nguyên nhân kỹ thuật có thể được loại trừ.

 Đồ thị kỹ thuật của VN-Index

Vì sao 2 phiên qua nhà đầu tư tháo chạy? ảnh 1

Thông tin cơ bản đã cạn kiệt?

Thông thường, nhà đầu tư quan niệm: “mua lúc chưa có thông tin và bán khi thông tin đã được đưa ra”. Tuy nhiên, những thông tin vừa rồi là thông tin vĩ mô, thông tin hỗ trợ rất mạnh như lãi suất, thanh khoản ngân hàng, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp... nó không tác động trực tiếp trong ngắn hạn như thông tin của doanh nghiệp.

Tác động của các thông tin vĩ mô trên mới chỉ là bắt đầu và nhà đầu tư vẫn có thể hưởng lợi từ những thông tin đó, đặc biệt là các nhà đâu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, đợt bán vừa qua, đặc biệt trong phiên 14/5, lực bán tháo mạnh lại ở những mã có mức vốn hóa lớn, vốn là mặt hàng ưa thích của các nhà đầu tư tổ chức và các “tay to”, những người có lợi thế về thông tin và tiền bạc.

 Đồ thị kỹ thuật của HNX-Index  

Vì sao 2 phiên qua nhà đầu tư tháo chạy? ảnh 2

Bán hàng để đảo nợ ngân hàng?

Đó là một giả thiết không tồi và điều này có thể xảy ra ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được ưu đãi lãi suất như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu… bởi những lý do sau:

Hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất hiện tại đang rất lớn, vì vậy, có vay được tiền, các doanh nghiệp cũng không đưa vào sản xuất, nhưng họ không thể không vay, vì doanh nghiệp không thể không hoạt động. Vì vậy, các doanh nghiệp vay tiền để đầu tư vào kênh khác, với mục đích lấy ngắn nuôi dài, trong đó theo tôi, chứng khoán là kênh đầu tư chính của các doanh nghiệp.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất còn 15%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức mà các doanh nghiệp vay trước đây là xấp xỉ 20% /năm. Với khả năng có thể vay được nguồn vốn giá rẻ, các công ty trên có thể bán mạnh những cổ phiếu một cách đồng loạt để có thể “cover” với giá vốn thấp hơn. Được cả đôi đường, một là chốt lời cổ phiếu và mua lại với giá thấp hơn. Hai là, lấy tiền trả nợ lãi suất cao và vay lại với lãi suất thấp. Tuy nhiên, để tạo được một “phong trào” bán như những phiên vừa qua cũng không phải là dễ và cũng không nhiều doanh nghiệp có điều kiện làm việc đó.

 

Nguyên nhân từ thông tin vĩ mô?

Đó có thể là quyết định tăng giá điện, than… với mức điều chỉnh lớn khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Thực ra, vấn đề tăng  những mặt hàng trên đã được chuẩn bị khá lâu về mặt tâm lý. Tuy nhiên, với mức tăng giá xăng như vừa qua, đã gây sốc cho thị trường thì khả năng điều chỉnh giá điện ở mức gây sốc là điều không phải là không có khả năng xảy ra.

Câu trở lời trực tiếp vẫn chưa có, nhưng hy vọng những lập luận trên đây có thể đem đến cho nhà đầu tư phần nào cái nhìn rõ ràng hơn.

Nguyễn Tiến Nam
Nguyễn Tiến Nam