Nói là "nóng" bởi vì nó xuất hiện ngay tại đại hội và áp dụng luôn, chứ chưa từng có trong bất kỳ quy định nào hay trong thông báo trước đó của Công ty.
Thông báo mời họp trước đó của VEC dù có quy định chặt chẽ về việc đăng ký dự họp, nhưng cũng không đả động đến việc không đăng ký thì không được dự họp. Cụ thể, theo thông báo mời họp, việc đăng ký tham dự đại hội không chỉ dừng ở cách đăng ký thông thường, mà phức tạp hơn, thể hiện ở việc cổ đông phải gửi toàn bộ tài liệu mà mình đã nhận được như giấy đăng ký tham dự đại hội, giấy ủy quyền, phiếu đề cử thành viên HĐQT… qua bưu điện hoặc fax về Công ty trước 16h ngày 24/11/2010.
Ngoài ra, VEC còn khống chế quyền tham dự ĐHCĐ của cổ đông nhỏ. Theo thông báo mời họp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu là 5.000 cổ phần mới được tham dự đại hội. Các cổ đông nhỏ tập hợp được đủ số cổ phần như yêu cầu kể trên cứ tưởng đến đại hội là đương nhiên được dự họp, nhưng cuối cùng mới ngã ngửa là quyền này bỗng bị tước bỏ chỉ vì không đăng ký trước. Có cổ đông cho rằng, họ đã đăng ký nhưng bị thất lạc. Sau khi tranh cãi khá lâu, cuối cùng, số cổ đông này được vào dự họp do Ban tổ chức "linh động". Tuy nhiên, họ không được phát phiếu biểu quyết, chỉ được ngồi nghe mà không có quyền phát biểu ý kiến.
Lý giải việc hạn chế cổ đông theo hình thức trên, tại đại hội, ông Nguyễn Trọng Tiếu, Tổng giám đốc VEC cho rằng, đó là do Công ty có lượng cổ đông lớn, gần 2.000 cổ đông.
Tại ĐHCĐ, Điều lệ VEC đã được thông qua. Theo đó, cổ đông không nhận được thư mời họp và không có ý kiến về việc dự họp, Công ty mặc nhiên coi đó là từ chối họp.
Tuy vậy, Điều lệ VEC cũng quy định, cổ đông có quyền tham gia ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền. Khi tiến hành đăng ký cổ đông, Công ty sẽ cấp cho từng cổ đông hoặc đại diện được ủy quyền có quyền biểu quyết một thẻ biểu quyết. Ngoài ra, cổ đông đến dự họp muộn có quyền đăng ký ngay và sau đó có quyền tham gia biểu quyết tại đại hội.
Liên quan đến họp ĐHCĐ, tại một DN có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, mặc dù bầu thành viên HĐQT là nội dung chính, nhưng đến ngày diễn ra đại hội, cổ đông không hề biết về lai lịch của các ứng viên. Cổ đông băn khoăn, phải chăng do luật chưa quy định cụ thể về việc này nên DN đại chúng có thể tùy nghi thực hiện (có hoặc không công bố lý lịch trích ngang)? Nếu pháp luật còn bỏ ngỏ vấn đề này, thì nên được bổ sung tương tự như quy định đối với DN niêm yết trong Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết. Cụ thể là, thông tin liên quan đến các ứng viên HĐQT (trường hợp đã xác định được các ứng viên) phải được công bố trước ngày triệu tập họp ĐHCĐ ít nhất 15 ngày để cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng viên này trước khi bỏ phiếu.
Báo ĐTCK còn nhận được một số thắc mắc của cổ đông đối với CTCP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp (có địa chỉ tại phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên). Cổ đông DN này cho biết, dù mua cổ phiếu của Công ty từ năm 2007 đến nay, nhưng chưa bao giờ được dự họp ĐHCĐ. Nguyên nhân không phải do thư mời thất lạc, mà bởi Công ty không tổ chức họp. Hàng năm, chỉ đúng dịp lĩnh cổ tức là tiền về tài khoản.
Ông Nguyễn Dũng, một cổ đông của Công ty cho biết thêm, dù mua cổ phần từ năm 2007, nhưng đến nay, ông mới chỉ có được báo cáo tài chính năm 2008 của Công ty, thông qua một người bạn ở Thái Nguyên đến tận Công ty yêu cầu mới có được.
Có thể nói, tình trạng vi phạm quyền cổ đông của các công ty chưa niêm yết vẫn diễn ra có nguyên nhân không nhỏ từ việc thiếu một chế tài cụ thể và đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán vừa được thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) yêu cầu công ty đại chúng phải công bố thông tin như các công ty niêm yết và sau 1 năm phát hành ra đại chúng phải tiến hành niêm yết. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK cũng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng mức phạt. Tuy nhiên, chưa thấy quy định nào xử phạt công ty chưa niêm yết, nhất là công ty chưa phải là đại chúng vi phạm quyền được tham dự ĐHCĐ, quyền được biết thông tin về kết quả kinh doanh... Đây là những vấn đề mà pháp luật cần có quy định cụ thể, kèm theo đó là mức phạt nghiêm khắc nếu vi phạm để quyền lợi của cổ đông được đảm bảo.