Vi phạm kiểm toán: Phạt cả kiểm toán lẫn công ty niêm yết

(ĐTCK) Để tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có lợi ích công chúng, Bộ Tài chính vừa đề xuất một loạt giải pháp cho cả bên kiểm toán và bên thuê kiểm toán.
Bất kỳ sai phạm nào của công ty kiểm toán, kiểm toán viên có thể ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và rộng hơn là thị trường chứng khoán Bất kỳ sai phạm nào của công ty kiểm toán, kiểm toán viên có thể ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và rộng hơn là thị trường chứng khoán

Kiểm toán sai phạm, hệ lụy khó lường

Một sự cố trong hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp có lợi ích công chúng trên thị trường chứng khoán trong năm nay là đầu tháng 5/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi 9 công ty niêm yết và 5 công ty chứng khoán về việc báo cáo tài chính của các công ty này được Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - T.D.K kiểm toán là không hợp lệ.

Cùng với đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được chấp thuận, thay thế cho báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - T.D.K đã ban hành.

Nguồn cơn của việc này là ngày 11/10/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định 1087/QĐ-UBCK đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long – T.D.K kể từ ngày 11/10/2016 đến hết ngày 31/12/2016, theo quy định tại khoản 1, Điều 13, Thông tư 183/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán với hai kiểm toán viên của T.D.K, do liên quan đến việc kiểm toán báo cáo tài chính cho doanh nghiệp “ma” Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM, sàn UPCoM).

Vi phạm kiểm toán: Phạt cả kiểm toán lẫn công ty niêm yết ảnh 1

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, bất kỳ một sai phạm nào của công ty kiểm toán, của kiểm toán viên có thể ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp có lợi ích công chúng, đến nhà đầu tư và rộng hơn là thị trường chứng khoán.

Trong tình huống 15 doanh nghiệp bị đình chỉ báo cáo tài chính trên, các công ty niêm yết, công ty có lợi ích công chúng chịu tổn thất là thuê công ty kiểm toán mới thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, cổ đông, nhà đầu tư chờ đợi thêm thời gian để có báo cáo kiểm toán mới, nhưng những rủi ro này là không thể so sánh với những sai phạm vô tình hay hữu ý trên những báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết.

Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua chứng kiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ lớn, bị hủy niêm yết, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp bị dính vào vòng lao lý mặc dù trước đó báo cáo tài chính có kiểm toán của công ty sạch với những kết quả kinh doanh rất đẹp. Thị trường không ít lần đặt mối ngờ lãnh đạo doanh nghiệp đã “đi đêm” với công ty kiểm toán, kiểm toán viên để làm đẹp số liệu tài chính.

Được ví như một bộ lọc giúp nhà quản lý thị trường chứng khoán, nhà đầu tư giảm bớt rủi ro từ những nguy cơ gian lận của doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, nên kiểm toán viên nếu “đồng lõa” với doanh nghiệp gian lận về báo cáo tài chính sẽ là rủi ro lớn đối với các cổ đông, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tính minh bạch và đe dọa sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Rắn tay với công ty kiểm toán

Thực tế trên đòi hỏi phải có các chế tài xử lý vi phạm đủ tính răn đe đối với các kiểm toán viên, công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính công ty có lợi ích công chúng. Đây là lý do tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đưa ra nhiều chế tài mới mang tính tăng nặng so với quy định hiện hành tại Nghị định 105/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, đình chỉ công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề trong thời gian từ 6 - 12 tháng kể từ ngày ký quyết định xử phạt đối với kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo kết quả công tác soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng, cung cấp dịch vụ kiểm toán hoặc dịch vụ soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng khi chưa được chấp thuận của Bộ Tài chính hoặc khi bị đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận.

Vi phạm kiểm toán: Phạt cả kiểm toán lẫn công ty niêm yết ảnh 2

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nhiều chế tài mới như phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: thực hiện kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo kết quả công tác soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng khi chưa được chấp thuận của Bộ Tài chính hoặc khi bị đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận; phạt từ 40 - 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán hoặc dịch vụ soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng khi chưa được chấp thuận của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất hình thức tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời gian từ 3 - 6 tháng đối với doanh nghiệp kiểm toán tùy theo tính chất và mức độ vi phạm…

Liên quan đến xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tính độc lập, điểm mới tại dự thảo là phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng quá 4 năm tài chính liên tục.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hình thức xử phạt bổ sung theo hướng tăng nặng: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời gian từ 3 - 6 tháng đối với doanh nghiệp kiểm toán bố trí kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho một đơn vị có lợi ích công chúng quá 4 năm tài chính liên tục từ lần thứ hai trở đi.

Một điểm mới nữa tại dự thảo Nghị định là Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng theo quy định hiện hành lên 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức kiểm toán kê khai không đúng thực tế trong hồ sơ đề nghị chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; giả mạo, khai man hồ sơ đề nghị chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.

Liên quan đến hướng sửa đổi nội dung về xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin báo cáo minh bạch, điểm mới mà ban soạn thảo đề xuất là nâng mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng lên 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kiểm toán không lập trang thông tin điện tử theo quy định; công bố và cập nhật đầy đủ thông tin trong báo cáo minh bạch trên trang thông tin điện tử chậm quá 15 ngày so với thời hạn quy định; công bố sai lệch thông tin trong báo cáo minh bạch...

Phạt doanh nghiệp thuê kiểm toán

Những sai phạm trong hoạt động kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử phạt thời gian qua cho thấy, ngoài nguyên nhân từ phía kiểm toán viên, công ty kiểm toán, còn có sự sai phạm của công ty được kiểm toán.

Bởi vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã đề xuất một loạt chế tài mới, nhằm xử lý nghiêm và răn đe các hành vi vi phạm của doanh nghiệp được kiểm toán.

Theo đó, về chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định liên quan đến trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng, quy định hiện hành áp dụng mức phạt từ 10- 20 triệu đồng đối với đơn vị có lợi ích công chúng khi không xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ; không tổ chức kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

Vi phạm kiểm toán: Phạt cả kiểm toán lẫn công ty niêm yết ảnh 3

Ngoài kế thừa hai hành vi này, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính còn đề xuất áp dụng mức phạt này đối với doanh nghiệp có lợi ích công chúng khi lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận khác đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính khi báo cáo tài chính đó đã được một doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật; không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cho đơn vị mình lý do thay đổi doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận so với năm trước liền kề và lý do thay đổi doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận đang thực hiện kiểm toán (nếu có); không thông báo với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cho đơn vị mình khi phát hiện kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; không giải trình, cung cấp hoặc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu không đúng sự thật liên quan đến các báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng nhằm tăng tính răn đe đối với các công ty có lợi ích công chúng, liên quan đến điều chỉnh chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định về tính độc lập, dự thảo quy định áp dụng mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với đơn vị có lợi ích công chúng chấp thuận kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính quá 4 năm tài chính liên tục, thay vì trong 5 năm tài chính liên tục như quy định hiện hành.

Bản dự thảo đang lấy ý kiến của công chúng, nhưng ghi nhận ban đầu từ thị trường cho thấy, mức phạt dự kiến đưa ra là quá thấp so với hệ lụy mà hành vi vi phạm gây nên. Với kiểm toán viên hay công ty kiểm toán, cần có biện pháp phạt nặng uy tín của chủ thể này, thậm chí gạt ra khỏi phạm vi hành nghề nếu cố tình thông đồng, sai phạm, mới mong tạo được áp lực để minh bạch hơn.   

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục