Vị ngọt cổ phiếu đường

(ĐTCK) Trong bối cảnh trầm lắng của TTCK cuối năm 2011, cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum lại có chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp.
Vị ngọt cổ phiếu đường

Trong bối cảnh trầm lắng của TTCK cuối năm 2011, các NĐT trên sàn Hà Nội chứng kiến một hiện tượng lạ: Sở GDCK Hà Nội (HNX) yêu cầu CTCP Đường Kon Tum (KTS) có văn bản giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp từ ngày 15/12 đến 28/12/2011. Độ “nóng” của cổ phiếu này đến từ các yếu tố cơ bản cũng như cơ cấu cổ đông khá tập trung của Công ty.

Năm 2011, KTS là đại diện duy nhất của ngành mía đường lọt vào Top 10 cổ phiếu có EPS cao nhất với EPS đạt 17.151 đồng. Trước đó, năm 2010, EPS của cổ phiếu này cũng đạt tới 11.139 đồng. Kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn là yếu tố cốt lõi khiến KTS liên tục là mục tiêu thu gom của các NĐT. Tuy nhiên, ít NĐT biết rằng, chỉ vài năm trước, Đường Kon Tum từng ngập chìm trong nợ nần, thậm chí có nguy cơ phá sản.

 

Cái kéo tay đúng lúc của DATC

Tiền thân của KTS là Công ty Mía đường Kon Tum, một DNNN thuộc UBND tỉnh Kon Tum được thành lập năm 1995. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, sau hơn 10 năm kinh doanh không hiệu quả, Công ty rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tính đến 31/3/2007, tổng số nợ của Công ty đã lên đến hơn 115 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 36 tỷ đồng. Nếu để DN “khai tử” thì hàng trăm người lao động bị mất việc làm, hàng ngàn hộ trồng mía các dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên lao đao và thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Trước tình hình đó, Công ty Mua bán nợ (DATC) đã nhập cuộc và thực hiện phương án tái cơ cấu Công ty. Theo DATC, để vực dậy công ty này, cần phải tái cơ cấu tổng thể từ vùng nguyên liệu đến khâu quản lý: từ việc sắp xếp nhân sự, đến các giải pháp tiết giảm chi phí, cải tiến dây chuyền sản xuất... Về tài chính, DATC đã thực hiện giảm bớt một phần nghĩa vụ trả nợ, điều chỉnh kế hoạch trả nợ, giúp DN huy động thêm vốn, khơi thông quan hệ tín dụng...

Mục tiêu tái cơ cấu được DATC xác định rõ là để chuyển đổi Đường Kon Tum sang hình thức CTCP từ 1/7/2008 nhằm thay đổi cơ chế quản trị, tạo sự phát triển bền vững; tạo điều kiện để người lao động trong DN có cổ phần, tạo động lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN.

Một năm sau ngày tái cơ cấu, ngày 8/6/2009, CTCP Đường Kon Tum đã tổ chức ĐHCĐ thường niên lần thứ nhất để kiểm điểm những việc đã làm được từ khi thực hiện chuyển đổi. Với sự hỗ trợ của DATC đây cũng là năm đầu tiên Công ty có lãi và nộp thuế cho Nhà nước tính từ khi thành lập. Đến tháng 5/2009, Đường Kon Tum đã trả hết nợ, trả cổ tức 10% vốn điều lệ và cải thiện rõ rệt đời sống người lao động.

Từ đây, kết quả kinh doanh hàng năm của Công ty bước vào giai đoạn tăng trưởng cao và ổn định. Năm 2009, LNST của Công ty tăng tới 196,98% so với năm 2008. Năm 2010, Công ty đạt LNST hơn 33 tỷ đồng trên vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

 

Vững vàng đi lên

Ngày 31/12/2010 ghi dấu một cột mốc lớn trong chặng đường tái cơ cấu của Đường Kon Tum với việc 3 triệu cổ phiếu KTS chính thức niêm yết trên HNX. “Đã có giai đoạn tưởng như DN rơi xuống vực thẳm, vậy mà chỉ sau 2 năm, với sự góp sức tận tình và sát sao của DATC, Công ty đã đứng dậy và phát triển ngày càng vững mạnh”, ông Lê Quang Trưởng, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ.

Hiện nay, các cổ đông tổ chức nắm giữ 85,3% cổ phần (DATC nắm 66,5%), còn lại 14,7% cổ phần do các cổ đông cá nhân nắm giữ.

Ông Trưởng cho biết, năm 2011, nhận thức được những khó khăn không hề nhỏ khi nền kinh tế chung diễn biến khó lường, nguồn nguyên liệu còn bất ổn, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn, Công ty đã đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất và tăng lượng tiêu thụ. Điều này đã giúp kết quả  kinh doanh năm 2011 rất ấn tượng với doanh thu thuần đạt 314,44 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi năm 2010; LNST đạt 66,89 tỷ đồng, tăng 100% so với năm trước đó; chia cổ tức 60%. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Công ty từ khi đi vào hoạt động.

Năm 2012, Công ty sẽ tích cực mở rộng diện tích mía nguyên liệu, với kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía đến năm 2015 lên 3.075 héc-ta; tiếp tục đầu tư thiết bị dây chuyền hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 15% trở lên. Các chỉ tiêu cụ thể đã được ĐHCĐ của Công ty vừa thông qua là tổng doanh thu 314 tỷ đồng; LNST 34,2 tỷ đồng; cổ tức dự kiến chia ở mức 60%. 

Tuy nhiên, chỉ trong quý I, LNST của KTS đã đạt 16 tỷ đồng, bằng gần 50% kế hoạch cả năm. Đó là tín hiệu khả quan, báo hiệu thêm một năm KTS phát triển mạnh trong khó khăn và sẽ tiếp tục là một năm mà các cổ đông, người lao động trong Công ty và hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên được hưởng vị ngọt từ Đường Kon Tum.

Vị ngọt cổ phiếu đường ảnh 1

Ông Lê Quang Trưởng (bìa trái), Tổng giám đốc Đường Kon Tum nhận giải “Doanh nghiệp xuất sắc nhất ASEAN”

Hoàng Phong
Hoàng Phong

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ