Chủ quan trong kiểm soát lạm phát?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng này tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI tới 0,23%.
CPI tháng 8/2013 tăng cao, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho thấy có biểu hiện chủ quan trong kiềm chế lạm phát. Việc liên tiếp tăng giá các mặt hàng có trọng số cao trong rổ tính CPI như xăng dầu, viện phí... đã đẩy CPI tăng mạnh, ngay cả khi sức cầu còn rất yếu hiện tại. Điều này cho thấy, cùng với yếu tố mang tính chu kỳ, CPI sẽ tăng cao từ nay đến cuối năm, nếu chủ quan trong điều hành, sẽ khiến mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 7% trong năm nay gặp thách thức.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/8 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% so với mức 8,8% của 1/7
Trao đổi với ĐTCK, bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo, theo chu kỳ, từ tháng 9 đến cuối năm xuất hiện nhiều tố tác động bất lợi đến diễn biến CPI. Tháng 9, 10 là mùa khai giảng, tiếp đó là bắt đầu vào dịp lễ tết, nên ngay cả khi sức cầu chưa tăng, nhưng nếu các ngành, địa phương không tính toán kỹ lưỡng trong thực hiện các quyết định tăng giá sản phẩm, dịch vụ, thì sẽ tăng sức ép lên nỗ lực kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Đáng nói, “thủ phạm” khiến CPI cả nước trong tháng 8/2013 tăng cao là giá dịch vụ y tế vẫn đang hiện hữu, khi nhiều địa phương, nhất là TP. HCM vẫn để ngỏ thời điểm điều chỉnh giá loại hình dịch vụ này.
Liên tiếp trong các phiên họp Chính phủ từ đầu năm đến nay, người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam đều khẳng định, Chính phủ nhất quán trong theo đuổi mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành vĩ mô là kiềm chế lạm phát, nên thường xuyên tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương dồn sức cho thực hiện nhiệm vụ này. Đây là nhiệm vụ cốt yếu nhằm tạo tiền đề cho nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng theo hướng bền vững, không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng nhanh nhưng khiến vĩ mô bất ổn.
Kích cầu gặp thách thức
Lạm phát tăng trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế vẫn chưa có bước cải thiện rõ nét, theo các chuyên gia sẽ khiến nỗ lực kích cầu của Chính phủ thêm thách thức. Nói cách khác, lạm phát tăng gần hơn tới mục tiêu đề ra cho cả năm nay là 7% cũng đồng nghĩa với việc dư địa cho kích cầu sẽ bị thu hẹp lại. Thực tế này đòi hỏi, chỉ khi lạm phát được kiểm soát hiệu quả thì mới hỗ trợ tích cực cho kích thích tăng trưởng, ổn định vĩ mô.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn rất yếu. Sức mua chưa có nhiều cải thiện rõ nét. Điều này đang tác động tiêu cực lên khu vực sản xuất, khi các DN vẫn đối mặt với tình trạng tồn kho cao bên cạnh một loạt khó khăn khác như: khó tiếp cận tín dụng, không có nhiều cơ hội có thêm thị trường mới…
Công bố của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/8 vừa qua của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% so với mức 8,8% của 1/7/2013. Tại thời điểm đầu tháng 8/2013, những ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 30,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 25,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 22%...
“Từ bài học điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Hà Nội cho thấy, một trong những mối lo lớn nhất đối với nỗ lực kiềm chế CPI từ nay đến cuối năm là những quyết định tăng giá mang tính hành chính của các bộ, địa phương. Bởi vậy, để kiểm soát hiệu quả CPI, qua đó tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ các kiến nghị, đề xuất tăng giá của các bộ, địa phương…”, ông Long khuyến nghị.
Theo kế hoạch, hôm nay (28/8), Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, để thông tin về những giải pháp điều hành vĩ mô trong tháng 8, cũng như đưa ra những giải pháp chính sẽ ưu tiên chỉ đạo, điều hành trong tháng 9 tới, nhằm thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm nay.