Kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu tốt dần khi chỉ số CPI tháng 10 tăng nhẹ, tỷ giá đang giữ được mức ổn định… Những yếu tố này sẽ hỗ trợ TTCK từ nay đến cuối năm ra sao, theo bà?
TTCK là nơi phản ánh diễn biến và kỳ vọng về tình hình kinh tế vĩ mô. Sự ổn định và triển vọng tăng trưởng tốt của nền kinh tế là yếu tố nền tảng để thị trường tăng điểm.
Trong thời gian qua, với các chính sách đúng đắn và nhất quán từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nền kinh tế đã duy trì được sự ổn định, đồng thời có sự phục hồi dần qua từng quý, dù chưa thực sự bứt phá. Việc CPI tháng 10 ghi nhận mức tăng 0,49% so với tháng trước và 5,14% so với đầu năm cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát cả năm 2013 chỉ từ 7% trở xuống.
Đây là cơ sở để Chính phủ và NHNN tiếp tục duy trì và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm.
Chúng tôi dự báo, tăng trưởng GDP trong quý IV sẽ đạt mức cao nhất trong năm, GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,3%. Điều này, về trung và dài hạn, sẽ có tác động tích cực lên TTCK. Mặc dù không kỳ vọng vào sự đột phá mạnh như giai đoạn 5 tháng đầu năm, nhưng chúng tôi cho rằng, TTCK trong quý IV có những diễn biến tích cực và khởi sắc hơn so với quý trước.
Có ý kiến nhận định, thông tin về việc VAMC sẽ mua khoảng 15.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay đang phần nào củng cố tâm lý NĐT trên TTCK. Quan điểm của bà ra sao?
Thông tin VAMC tiến hành mua nợ xấu đã có tác động tích cực nhất định đến tâm lý NĐT. Trong thực tế, một số mã cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá trong thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài, để đánh giá hiệu quả của VAMC, cần xem xét khả năng xử lý được các khoản nợ xấu đã mua về. Theo đó, chúng tôi cho rằng, có hai hướng xử lý chính với các khoản nợ này: VAMC tiếp tục bán nợ đã mua cho các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài và VAMC tiến hành tái cấu trúc một số khoản nợ.
Với trường hợp đầu tiên, theo nhiều thông tin đã đưa, hiện tại, số lượng NĐT nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu tương đối lớn. Vấn đề còn lại nằm ở việc chuẩn bị các thủ tục pháp lý liên quan đến việc mua bán và tạo cơ chế thuận lợi để các NĐT này có thể tiến hành việc mua nợ. Việc này cần có một khoảng thời gian nhất định.
Với trường hợp tái cơ cấu một số khoản nợ, chúng tôi cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của các DN. Trong tình hình hiện nay, quá trình này sẽ diễn ra từ từ, chứ không nhanh và mạnh. Do đó, để đánh giá hiệu quả của VAMC, cần thêm thời gian quan sát các bước đi tiếp theo của tổ chức này.
Nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản sẽ được thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới. Theo bà, thông tin này có hỗ trợ cho cổ phiếu BĐS vào thời điểm cuối năm?
Đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản, qua trao đổi của chúng tôi với một số ngân hàng lớn, tình hình giải ngân chưa thực sự khả quan. Ngoài ra, theo thông tin tổng hợp từ Vụ Tín dụng (NHNN), tính đến ngày 30/9, tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho khách hàng cá nhân và DN theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở là 197,3 tỷ đồng, một con số tương đối khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do các điều kiện ràng buộc của gói hỗ trợ tương đối chặt chẽ và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực sự về nhà ở của người dân.
Theo chúng tôi, sự phục hồi của thị trường bất động sản vẫn phụ thuộc phần lớn vào sức cầu trong nước và yếu tố này liên quan đến sự hồi phục chung của nền kinh tế. Do đó, nếu căn cứ vào tình hình giải ngân hiện tại của gói 30.000 tỷ đồng thì khả năng thị trường có “sóng” cổ phiếu bất động sản vào thời điểm cuối năm là không cao.
Hầu hết DN niêm yết đã công bố BCTC quý III và 9 tháng đầu năm. Kết quả cho thấy, những DN đầu ngành duy trì được mức độ tăng trưởng ổn định. Sự đột biến về lợi nhuận quý IV (nếu có), theo bà, sẽ tập trung vào nhóm DN ngành nào?
Theo quan sát của chúng tôi, các DN đầu ngành vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong 9 tháng vừa qua. Một số DN có kết quả kinh doanh đột biến chủ yếu liên quan đến các yếu tố về doanh thu tài chính như lãi chênh lệch tỷ giá hay hoàn nhập dự phòng (hoặc không còn phải trích lập dự phòng). Đây đều là các yếu tố khó dự báo và không phụ thuộc vào kết quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN. Do đó, chúng tôi cho rằng, nếu không cân nhắc các yếu tố về doanh thu tài chính thì sẽ không có sự đột biến về lợi nhuận trong quý IV.
Các nhóm ngành có lợi thế đặc thù như dầu khí; các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế như hàng tiêu dùng, dược phẩm và các nhóm ngành có diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào thuận lợi như ngành cao su, săm lốp được dự báo sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV. Ngược lại, các ngành ảnh hưởng trực tiếp bởi khó khăn kinh tế như bất động sản và ngân hàng dự báo chưa thể khả quan trong những tháng cuối năm.