Vị doanh nhân nặng lòng với Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Trần Vũ Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ môi trường SYL, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương vẫn luôn có một tình yêu cháy bỏng với biển đảo quê hương.

Đối với doanh nhân Trần Vũ Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ môi trường SYL, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, kể từ lần đầu chạm vào Trường Sa, anh luôn khát khao được góp phần nâng cao đời sống của những anh bộ đội Cụ Hồ can hùng nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc và nỗ lực biến những vùng đảo khô, khát, cháy thành điểm xanh.

Doanh nhân Trần Vũ Thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Doanh nhân Trần Vũ Thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giấc mơ thành hiện thực

Những ngày tháng 4, văn phòng Công ty Công nghệ môi trường SYL, cũng là trụ sở Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương tấp nập, nhộn nhịp nhất trong năm. Doanh nhân Trần Vũ Thành tất bật cùng các đồng nghiệp đóng gói máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác, tủ cấp đông và quà tặng từ khắp mọi miền đất nước gửi ra Trường Sa.

Vẫn đôi mắt biết cười, vẫn giọng nói hào sảng, vẫn tinh thần quyết liệt, vẫn cháy bỏng một tình yêu biển đảo, anh Thành tự hào kể: “Mặc dù bận rộn, nhưng tôi hạnh phúc lắm vì cảm giác sợi dây kết nối đất liền với Trường Sa, biển đảo ngày càng gần gũi và bền chặt”.

Trường Sa Đông là đảo đầu tiên ở Trường Sa đón nhận máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường Sa Đông là đảo đầu tiên ở Trường Sa đón nhận máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Anh bật mí, TP. Hà Nội vừa mua 6 máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL để tặng các đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Phan Vinh A, Tiên Nữ, Núi Le A, An Bang, Đá Tây B trong chuyến thăm Trường Sa vào tháng 4. Đây là phiên bản thứ 5 của máy lọc SYL, công trình do kỹ sư Trần Vũ Thành sáng chế, từng đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam - Vifotec 2017. Theo anh, phiên bản mới được thiết kế tiên tiến, gọn nhẹ, dễ sử dụng và bảo dưỡng, rất phù hợp với điều kiện cần tiết kiệm nhiên liệu và không gian tại đảo đá chìm.

Dù trước đó, cá nhân anh Thành cùng một số tổ chức, đơn vị đã tặng máy lọc nước ra Trường Sa, nhưng mỗi khi có thêm một chiếc máy ra với biển, đảo, cảm xúc của người kỹ sư vẫn rưng rưng khó tả. “Biển, đảo đang vào mùa khô, lượng nước phục vụ sinh hoạt, tập luyện, tăng gia của bộ đội eo hẹp. Lượng nước dự trữ trong các bể có nguy cơ bị rò rỉ, nhiễm mặn. Chỉ khi sử dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt, thì mới có thể chủ động về nguồn nước trên đảo”, anh bộc bạch.

Hạnh phúc lớn nhất của anh có lẽ là khi chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL đến với các cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang. Anh kể, lần đầu tiên đến với An Bang, anh khá ngạc nhiên, thích thú khi phát hiện có một cái giếng giữa khoảnh sân nhỏ, phía sau bếp, có chiếc máy bơm đặt sẵn ở đó, bơm nước tự động vào bể ngay cạnh. Anh nghĩ, thế này thì yên tâm quá rồi.

Sau 6 năm, máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL đã có mặt tại đảo An Bang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau 6 năm, máy lọc nước biển thành nước ngọt SYL đã có mặt tại đảo An Bang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhưng khi lại gần, soi xuống làn nước xanh ngắt in bóng những cụm mây trắng, anh thấy cá bơi tung tăng, nhóng nhánh màu sắc. Ô kìa! Đó là những con cá “bò ngu”, loài sống ở nước mặn. Thì ra, cái giếng không như ý nghĩ ban đầu, lòng anh chùng xuống...

Rồi mới đây, nhận được những bức ảnh bộ đội khiêng chiếc máy lọc nước lên đảo An Bang khô khát, bỏng cháy, dữ dội, được đoàn công tác gửi về, lòng anh lại chùng xuống thêm một lần nữa.

“An Bang quá đỗi gian lao, để đưa được chiếc máy lọc nước biển lên đảo, bộ đội thật quá vất vả. Tôi biết cảm giác khi vác vật nặng đi trên bãi cát dài này. Cái nóng bỏng rát thấm vào lòng bàn chân. Cát sụt, rất nhọc nhằn để lê từng bước. Những cành san hô chết khô đâm vào chân nhói buốt. Chưa hết, khi vào đến bờ kè lại phải kéo máy vượt lên độ cao rồi máy mới có thể tự lăn bánh... Chỉ có ý chí quyết tâm rất cao mới có thể giúp chúng ta vượt lên hoàn cảnh”, giọng anh nghèn nghẹn.

Gian nan vận chuyển máy lọc nước biển thành nước ngọt lên đảo An Bang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gian nan vận chuyển máy lọc nước biển thành nước ngọt lên đảo An Bang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong ánh mắt đong đầy yêu thương, anh thổ lộ: “Giờ đây, nguồn nước biển mặn chát trong chiếc ‘giếng quê’ kia sẽ là nguồn nước sạch cho máy hoạt động bền lâu hơn và cho ra những dòng nước ngọt mát lành. Vậy là, giấc mơ 6 năm trước của tôi nay đã trở thành hiện thực”.

Cùng với máy lọc nước biển thành nước ngọt, kỹ sư, doanh nhân Trần Thành còn là “cha đẻ” của máy ép rác C-Sea được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây từ năm 2019. Năm nay, anh tiếp tục cải tiến và cho ra đời chiếc máy ép rác C-Sea thế hệ mới chạy bằng “cơm”, như cách nói vui của anh. Bởi, máy ép rác chạy bằng điện trước đây khó đạt công suất tối đa trong điều kiện không ổn định và thiếu điện ở Trường Sa.

Cái nắng gắt gỏng, chát chúa ở đảo An Bang giờ đây sẽ được xoa dịu phần nào nhờ chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt.

Cái nắng gắt gỏng, chát chúa ở đảo An Bang giờ đây sẽ được xoa dịu phần nào nhờ chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt.

“Trên những hải trình, chứng kiến cảnh túi ni-lon, vỏ chai nhựa trôi nổi trên mặt biển, tôi đã quyết tâm chế tạo máy ép rác C-Sea. Bởi việc tập kết, xử lý rác thải tại các điểm đảo, nhà giàn rất khó khả thi do diện tích hẹp, nên cần làm giảm thể tích rác và vận chuyển vào bờ”, anh Thành chia sẻ.

Theo anh, việc tìm giải pháp công nghệ không khó, vì công nghệ, thiết bị đều sẵn, vấn đề là thiết kế để phù hợp với môi trường biển đảo, đặc biệt sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường muối biển. Bên cạnh đó, thiết bị phải đáp ứng với lực ép đủ mạnh để xử lý được nhiều loại rác như vỏ chai nhựa, nhôm, sắt…

Danh nhân Trần Vũ Thành (bên trái) đã 9 lần đến với Trường Sa. Tháng 5 này, anh sẽ có lần thứ 10 chở những yêu thương đong đầy đến với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Danh nhân Trần Vũ Thành (bên trái) đã 9 lần đến với Trường Sa. Tháng 5 này, anh sẽ có lần thứ 10 chở những yêu thương đong đầy đến với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giữ trọn lời hứa của lòng mình

Còn nhớ, trên hành trình đến với Trường Sa của Đoàn công tác số 4 năm 2019, tôi được kỹ sư Trần Vũ Thành kể về hành trình gian nan để máy lọc nước biển thành nước ngọt đến được với Trường Sa.

“Sau chuyến công tác đầu tiên đến Trường Sa năm 2014, chứng kiến đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước ngọt, tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu, chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào công việc thì gặp rất nhiều khó khăn, có lúc nản định bỏ cuộc, song nghĩ đến lời hứa của lòng mình với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, tôi quyết tâm thực hiện cho được”, anh tâm sự.

Kỹ sư Trần Vũ Thành lắp đặt máy lọc nước tại Trường Sa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kỹ sư Trần Vũ Thành lắp đặt máy lọc nước tại Trường Sa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước đó, trên quần đảo Trường Sa đã có khá nhiều giải pháp thu hồi nước ngọt được ứng dụng nhưng hiệu quả không cao. Thế nên, khi kỹ sư Trần Vũ Thành, đại diện cho Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Hà Nội và Trung ương Đoàn trình bày ý tưởng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chưa thật sự tin tưởng. Phải sau 6 lần giải trình, qua nhiều cơ quan chuyên môn, ý tưởng chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt của anh Thành mới được chấp thuận thí điểm.

Một năm sau, chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt (NT-30) đầu tiên được kỹ sư Trần Vũ Thành và các đồng nghiệp lắp đặt thành công trên đảo Trường Sa Đông. Máy NT-30 sử dụng công nghệ lọc màng RO, chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, có công suất thực tế 50 lít nước ngọt/giờ, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn QCNN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.

“Bây giờ, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã phổ biến trên quần đảo Trường Sa, nhưng vào thời điểm năm 2015, thì đây là một kỳ tích. Quá trình lắp đặt máy gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải ra Trường Sa hai lần. Chuyến thứ nhất lắp hệ thống năng lượng mặt trời (tháng 5/2015); chuyến thứ hai lắp máy lọc nước (tháng 8/2015), lại gặp thời tiết dông bão, phải ở 15 ngày trên tàu mới lên được đảo. Sau 25 ngày ở trên đảo với khẩu phần 5 lít nước ngọt/người/ngày, cảm giác uống cốc nước ngọt đầu tiên khi máy vận hành thành công thật vui mừng tột độ”, anh Thành nhớ lại.

Tháng 4 năm 2021, Đoàn công tác TP Hà Nội đã tặng 6 máy lọc nước cho các đảo ở Trường Sa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tháng 4 năm 2021, Đoàn công tác TP Hà Nội đã tặng 6 máy lọc nước cho các đảo ở Trường Sa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cầu nối những tấm lòng hướng về biển, đảo

Trường Sa bây giờ không chỉ rất xanh mà còn rất đẹp. Trong đó, CLB "Vì biển đảo quê hương" đóng góp được một phần không nhỏ trong thành quả này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường Sa bây giờ không chỉ rất xanh mà còn rất đẹp. Trong đó, CLB "Vì biển đảo quê hương" đóng góp được một phần không nhỏ trong thành quả này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhờ sự năng động của Chủ nhiệm Trần Vũ Thành, CLB đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, như: “Chăm lo hậu phương-Vững lòng biển đảo”, “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, tặng quà con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên biển, đảo nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người thân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện Trung ương…

Chỉ tính riêng năm 2020, thực hiện Chương trình “Xuân biên giới-Tết hải đảo”, CLB đã vận động, tiếp nhận gần 4.000 suất quà từ khắp mọi miền đất nước trao tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, đảo. Chương trình “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, biểu diễn nghệ thuật và trao 100 suất học bổng, 4.000 suất quà tặng con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo.

Mới đây nhất, chỉ chưa đầy 3 ngày vận động tặng tủ cấp đông dự trữ thực phẩm tặng các đảo ở Trường Sa, CLB đã nhận đủ số lượng 13 tủ và ngừng tiếp nhận sớm. Kỹ sư Trần Thành sẽ tận tay đại diện trao những tình cảm ấm nồng ấy cho các đảo. Anh bảo: “Hầu như lần nào kêu gọi tặng quà cho bộ đội Trường Sa chúng tôi cũng phải ngừng tiếp nhận trước thời gian vì luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của các nhà hảo tâm”.

Hàng năm, CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đều thực hiện Chương trình “Trường Sa xanh”, tặng hàng nghìn cây xanh, hoa, hạt giống, đất trồng… cho các đảo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hàng năm, CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đều thực hiện Chương trình “Trường Sa xanh”, tặng hàng nghìn cây xanh, hoa, hạt giống, đất trồng… cho các đảo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hằng năm, CLB còn thực hiện Chương trình “Trường Sa xanh”, tặng hàng nghìn cây xanh, hoa, hạt giống, đất trồng… cho các đảo. Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, CLB còn tiếp nhận rất nhiều thư, thiệp chúc Tết của các em học sinh trên khắp vùng miền Tổ quốc gửi tới bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Những năm qua, vào mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, CLB đều tổ chức hàng chục hoạt động như: Xuất bản bộ bưu thiếp "Sắc màu Trường Sa", “Sức sống Trường Sa”; triển lãm ảnh "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội", “Khát vọng tuổi trẻ-ươm mầm đảo xanh", “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương", “Nơi đầu sóng”...

Đầu năm 2019, CLB còn đưa triển lãm “Biển, đảo quê hương” sang Paris (Pháp), trong khuôn khổ Hội nghị người Việt có tầm ảnh hưởng, do Bộ Ngoại giao chủ trì. Trong đó, riêng doanh nhân Trần Thành, sau 9 lần đến với Trường Sa, anh đã chụp hàng nghìn bức ảnh và tham gia vào hầu hết các triển lãm ảnh về biển, đảo quê hương do CLB tổ chức trong và ngoài nước. Nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có lẽ năm nay CLB sẽ tổ chức nhiều triển lãm khác ở nước ngoài.

Doanh nhân Trần Vũ Thành bật mí đang hình thành 1 Starup triển khai ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để cho ra sản phẩm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Doanh nhân Trần Vũ Thành bật mí đang hình thành 1 Starup triển khai ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để cho ra sản phẩm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với những thành tích đạt được, Trần Vũ Thành được Tổ chức tình nguyện Liên hợp quốc tuyên dương đặc biệt vì có những đóng góp tích cực vì mục tiêu phát triển bền vững năm 2016; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2017”; Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021), kỹ sư Trần Vũ Thành đã được Trung ương Đoàn trao tặng Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ - phần thưởng cao quý nhấn của Trung ương Đoàn.

Doanh nhân Trần Vũ Thành bật mí đang hình thành 1 Starup triển khai ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để cho ra sản phẩm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Khi đó, không chỉ họ tìm được việc làm ưng ý mà các doanh nghiệp sẽ được sử dụng nguồn nhân lực có tính kỷ luật, có sức khỏe sức tốt, chịu thương chịu khó.

Anh Trần Thành tâm sự: “Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những người lính đảo được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ và người dân trên khắp đất nước biết rằng, ngoài khơi xa, đang có những người lính hy sinh vì bình yên Tổ quốc. Từ đó, mỗi người có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội”.

Từ năm 2015 đến nay, sau khi lắp đặt thành công máy lọc nước mặn thành nước ngọt cho Trường Sa, kỹ sư Trần Vũ Thành đã tiếp tục cải tiến, chế tạo các phiên bản máy lọc nước để đưa tới cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long vùng chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, các tàu cá đánh bắt xa bờ. Thời gian tới, SYL sẽ đưa ra các phiên bản phù hợp cho các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động dài ngày trên biển.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục