CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG) thua lỗ liên tục từ quý II/2011 đến quý I/2013. Đầu tháng 5/2013, giá cổ phiếu VHG là 2.000 đồng/CP (giá đã điều chỉnh quyền). Từ đó đến nay, cổ phiếu VHG có xu hướng tăng giá, đạt 11.500 đồng/CP vào cuối tháng 11, tức tăng gần 6 lần trong vòng 6 tháng. Những phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu VHG liên tục giảm, hiện còn 8.000 đồng/CP.
Sở dĩ cổ phiếu VHG “dậy sóng” là bởi VHG đã bán phần vốn góp ở 2 công ty con, thu chênh lệch khoảng 65 tỷ đồng và khoản lãi gần 32 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính. Theo báo cáo tài chính bán niên 2013, VHG ghi nhận khoản phải thu từ chuyển nhượng cổ phần Nhựa Kim Tín là 138,45 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính quý III/2013, khoản phải thu từ chuyển nhượng cổ phần Vật liệu xây dựng Việt - Hàn là 50 tỷ đồng.
Nhờ vậy, không lỗ như dự kiến, 9 tháng đầu năm 2013, VHG thoát lỗ ấn tượng với khoản lãi ròng 75,5 tỷ đồng, trong đó lãi gộp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính chỉ đem về 10,84 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2013, VHG lãi 21,12 tỷ đồng. Trước đó, quý II/2013, VHG báo lãi trước thuế 65,1 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đặt ra hồi tháng 5/2013, VHG dự kiến năm 2013 đạt 200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận âm 20 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9, VHG công bố thông tin về việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu kinh doanh năm 2013: doanh thu 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh 9 tháng nêu trên, cổ phiếu VHG đã được HOSE đưa ra khỏi diện giao dịch có kiểm soát, mà đưa vào dạng cảnh báo.
Để đạt kết quả này, VHG đã phải mạnh tay thực hiện kế hoạch tái cấu trúc bằng cách thanh lý hai dự án bất động sản, chuyển nhượng cổ phần để huy động nguồn tiền để trả nợ vay và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, trong tháng 8/2013, VHG đã sử dụng 50 tỷ đồng thu được từ việc bán cổ phần Nhựa Kim Tín để trả lãi và gốc nợ vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Thời điểm cuối tháng 6/2013, dư nợ của VHG đối với BIDV là 66,17 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 9 đã giảm xuống còn 10,3 tỷ đồng.
Bán tài sản và chuyển nhượng cổ phần đã giúp VHG giải tỏa áp lực về gánh nặng nợ vay. Tuy nhiên, tái cơ cấu bằng cách bán tài sản dường như chỉ giải quyết được vấn đề ngắn hạn của VHG.
Nhìn lại báo cáo tài chính quý III/2013 của VHG, mặc dù các hạng mục chi phí tài chính, chi phí bán hàng đã giảm, nhưng chi phí quản lý DN vẫn cao ở mức 18 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng về doanh thu, nhưng lãi gộp biến chuyển không nhiều, chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, so với 10,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2012.
Như vậy, có thể thấy, nếu không nhờ khoản thu nhập tài chính và thu nhập khác, VHG vẫn khó thoát được lỗ.
Tính riêng thu nhập từ hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm 2013, VHG thu về gần 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong việc chuyển nhượng cổ phiếu Nhựa Kim Tín và Vật liệu xây dựng Việt Hàn, VHG cũng “vướng” tới 110 tỷ đồng phải thu của các cá nhân nhận chuyển nhượng.
Phải thu khác cuối tháng 9/2013 của VHG lên tới 143 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vì vậy, lũy kế 9 tháng, dòng tiền hoạt động âm 19,34 tỷ đồng, trong khi cuối quý II là 9,1 tỷ đồng.
Thực tế, có nhiều cách để cải thiện kết quả lợi nhuận như quản trị hàng tồn kho tốt, đúng thời điểm, có chiến lược sản phẩm phù hợp, nhưng cũng có DN buộc phải chọn phương án bán tài sản để cơ cấu nguồn tài chính như VHG. Việc tái cơ cấu tài sản giúp DN có được khoản lợi nhuận đột biến trong kỳ kinh doanh, tăng sức khỏe tài chính.
Nhưng nhiều NĐT băn khoăn, bán bao nhiêu tài sản là đủ, bởi sẽ đến lúc DN không còn gì để bán. Bởi vậy, điều NĐT mong chờ ở VHG là song hành với giải pháp tình thế, cần có chiến lược mới, có các giải pháp cơ bản để cải thiện hoạt động kinh doanh chính.
>>VHG góp 100 tỷ lập thêm công ty con