VHG: lãi lớn sao cạn tiền trả cổ tức?

(ĐTCK) Việc VHG phải “khất” cổ tức đợt I/2013 thêm 15 ngày khiến dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi về VHG.
VHG: lãi lớn sao cạn tiền trả cổ tức?

Sau 2 năm liền thua lỗ nặng, 9 tháng đầu năm 2013, CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG) ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội với doanh thu 167,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng, nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính với việc bán 2 công ty liên kết là CTCP Nhựa Kim Tín và CTCP VLXD Việt Hàn. Những tưởng VHG đã có sức để bật lên, nhưng thông báo mới đây về việc VHG phải “khất” cổ tức đợt I/2013 thêm 15 ngày, khiến dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi về VHG.

Là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, có vị thế hàng đầu trong mảng cáp quang viễn thông với 25% thị phần và tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh triển vọng như dây và cáp điện, ống nhựa luồn cáp, vật liệu xây dựng, đầu tư bất động sản và trồng cao su, 2 năm gần đây, VHG gặp nhiều khó khăn do yếu tố thị trường chung khó khăn.

Đặc biệt, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất cho vay tăng vọt trong 2 năm 2011 và 2012 đã tác động nặng nề đến sức khỏe tài chính và hiệu quả kinh doanh của Công ty.

VHG: lãi lớn sao cạn tiền trả cổ tức? ảnh 1

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của VHG là dòng tiền, chứ không phải năm 2013 lãi bao nhiêu

Trong 9 tháng đầu năm 2013, VHG đã đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc toàn diện mô hình kinh doanh và các hoạt động đầu tư của Công ty theo hướng thanh lý các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành và yếu kém (như lĩnh vực sản xuất cáp đồng) và tập trung vào lĩnh vực hạ tầng và cao su, nên đã ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít nhất 4 ẩn số cần phải được làm rõ, để đánh giá quá trình tái cấu trúc VHG có thành công hay không.

Thứ nhất, việc bán lại các công ty liên kết đã đem đến cho Công ty khoản lợi nhuận đáng kể, song hiện tại Công ty vẫn còn một khoản phải thu trị giá 110 tỷ đồng phát sinh từ thương vụ này. Khả năng thu được các khoản phải thu này là mối quan tâm lớn nhất đối với nhà đầu tư vì sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của Công ty.

Thứ hai, khả năng bán các dự án bất động sản của Công ty là không dễ, việc bán dự án này được hay không và với giá nào phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của ngành bất động sản trong năm 2014.

Thứ ba, Công ty đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực trồng cao su thiên nhiên tại Quảng Nam với diện tích là hơn 4.000 héc-ta, trong tương lai định hướng lên 13.000 héc-ta.

Trong năm 2013, VHG phấn đấu đền bù để có quỹ đất 1.000 - 1.500 héc-ta, trồng mới 600 - 1.000 héc-ta cao su hoàn thiện quỹ đất hoàn chỉnh giai đoạn 1 của dự án.

Hoạt động đầu tư này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó lợi nhuận lại phụ thuộc vào diễn biến của giá cao su thế giới. Dòng tiền từ khai thác cao su có thể có từ cuối năm 2014, song chưa đáng kể, vì VHG mới trồng cao su từ năm 2009 (cây cao su cần 6 năm mới có thể bắt đầu thu hoạch).

Do đó, lợi nhuận từ mảng kinh doanh này hiện nay vẫn chưa thể lượng hóa chính xác.

Thứ tư, về hoạt động hạ tầng và sản xuất, VHG đã ký kết hợp đồng liên doanh cùng Tập đoàn HYDROCHINA và CTCP Cơ điện miền Trung để đấu thầu thực hiện Dự án Phát triển bền vững TP.

Đà Nẵng, trong đó VHG được giữ vai trò cung cấp các sản phẩm, thiết bị phục vụ cho dự án này. Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng là một dự án lớn, có tổng mức đầu tư là 272,135 triệu USD (tương đương hơn 5.750 tỷ đồng) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019. Nếu triển khai được dự án này sẽ tác động rất đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của VHG trong các năm sau.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng lớn này cần nhiều thời gian và nguồn vốn lớn, nên nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào dòng tiền từ các dự án hạ tầng này trong thời gian tới.

Lãi 9 tháng đầu năm 2013 tăng vọt là một thành quả của VHG, nhưng diễn biến hiện nay cho thấy, vấn đề quan trọng nhất của Công ty là dòng tiền, chứ không phải lợi nhuận năm 2013 là bao nhiêu. Nếu VHG thu được 110 tỷ đồng khoản phải thu do bán tài sản trong năm 2013 thì sẽ cải thiện đáng kể dòng tiền, giúp Công ty có tiền trả nợ ngân hàng và làm các dự án hạ tầng trong thời gian tới. Ngược lại, khi không thu được các khoản phải thu này thì VHG vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

>>VHG với dấu hỏi về ngày mai!

>>VHG góp 100 tỷ lập thêm công ty con

>>VHG “nhảy” vào lĩnh vực cao su

Hoàng Công Tuấn, MBS
Hoàng Công Tuấn, MBS

Tin cùng chuyên mục