VFM - năng động trên TTCK

Bức tranh hoạt động của các công ty quản lý quỹ nội địa chưa thực sự sáng sủa do việc huy động vốn mới khá khó khăn. Công ty quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) là một trường hợp hiếm hoi huy động và thành lập quỹ mới thành công - Quỹ đầu tư năng động (VFA).
Ông Phan Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư VFA đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên CCQ VFMVFA ngày 9/8/2010 tại sàn HOSE
Ông Phan Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư VFA đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên CCQ VFMVFA ngày 9/8/2010 tại sàn HOSE

Nhân dịp VFA niêm yết vào ngày 9/8 vừa qua, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM.

Thưa ông, diễn biến TTCK gần đây không tạo nhiều hứng khởi cho NĐT đẩy mạnh giao dịch, hoạt động các quỹ do VFM đang quản lý như thế nào?

TTCK Việt Nam trong 7 tháng vừa qua tiếp tục giảm nhẹ - mức thoái lui lần lượt là 2,6% và 3,5% với VN-Index và HNX-Index. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ (CCQ) VF1 giảm 1,3%, bằng một nửa so với mức giảm của VN-Index và bằng 1/3 so với mức giảm của HN-Index. Kết thúc ngày 31/7, NAV của VF1 đạt 25.577 đồng/CCQ. So với đầu năm 2010, NAV của VF1 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 3,1%, trong khi VN-Index giảm nhẹ 0,2% và HNX-Index giảm tới 8,8%.

Tương tự đối với quỹ đầu tư VF4, NAV cuối tháng 7 là 10.421 đồng/CCQ, giảm 4,1%, khi tốc độ mất giá của các cổ phiếu blue-chip là khá lớn. Trong tháng 7, VF4 vẫn giải ngân ròng vào một số cổ phiếu niêm yết có nền tảng kinh doanh vững chắc, lợi nhuận ổn định với tỷ trọng được tăng thêm từ 84,6% lên 86,9% danh mục đầu tư. Dù các chỉ số chứng khoán suy giảm trong tháng 7, nhưng khối NĐT nước ngoài vẫn mua ròng với 868.090 đơn vị VF1 và 151.300 đơn vị VF4.

Ngày 9/8 vừa qua, VFA đã được niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM. Đây là quỹ đầu tư niêm yết thứ 3 của VFM và là CCQ thứ 5 trên thị trường. Với việc ứng dụng mô hình phân tích định lượng trong hoạt động đầu tư, VFA cũng là bước đi đột phá của VFM trong nỗ lực tiên phong cung cấp các sản phẩm tiếp mới, gần hơn với nhu cầu thực sự của NĐT.

 

 Cơ quan quản lý vừa qua đã lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo thành lập quỹ mở. Về điều này VFM đã chuẩn bị ra sao, thời gian tới VFM dự định phát triển thêm các sản phẩm mới nào?

Thời gian qua, VFM và nhiều thành viên thị trường đã tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng hành lang pháp lý cho dự thảo này. VFM mong UBCK sớm ban hành quy định chính thức. Về phía Công ty, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi mang tính chiến lược này từ khá lâu. Từ năm 2008, chúng tôi đã đầu tư tòa nhà văn phòng mới tại AB Tower và hiện tại đang tiếp tục trang bị cơ sở hạ tầng như hệ thống phần mềm fund core - hệ thống công nghệ thông tin gắn kết các quy trình xử lý nghiệp vụ phục vụ cho hoạt động của quỹ mở. Từ đây sẽ là nền tảng để đáp ứng và phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng những quy trình tư vấn, thông tin báo cáo về hoạt động quỹ mở cho NĐT. Ngoài ra, Công ty vẫn chú trọng tái cấu trúc và phát triển cơ cấu nhân sự vững mạnh, chuyên nghiệp và năng động. Tất cả đã sẵn sàng cho việc ra đời dòng sản phẩm mang mô hình quỹ mở đầu tiên trên thị trường.

 

Trong số các quỹ đại chúng đang hoạt động tại Việt Nam, VFM tham gia nhiều hoạt động trên thị trường, đâu là động lực của sự năng nổ này, thưa ông?

Hiện nay, VFM là quỹ nội địa có thâm niên hoạt động lâu năm nhất trên thị trường. Suốt 7 năm qua, VFM đã đồng hành cùng TTCK cố gắng đều đặn cung cấp thông tin, tổ chức diễn thuyết với NĐT về hoạt động quỹ, tham gia các sự kiện trên diễn đàn đầu tư…, để NĐT có thể hiểu hơn về hoạt động của các quỹ đầu tư nói chung và VFM nói riêng. Việc thu hút các tầng lớp dân cư tham gia thị trường ngày càng đông là động lực sâu rộng để thị trường phát triển. VFM nhận thấy trách nhiệm này không chỉ thuộc về cơ quan quản lý, mà còn cả các NĐT tổ chức đã gắn bó lâu năm với thị trường như chúng tôi.

 

VFM đánh giá ra sao về xu hướng thị trường hiện tại, thưa ông?

TTCK Việt Nam đang tiếp tục có các biến động ngược chiều với chứng khoán thế giới, giảm nhẹ trong tháng 7 và chưa có dấu hiệu hồi phục. Hiện tại, các tín hiệu vĩ mô trong nước tương đối tốt, nhưng vì cung tiền chưa đủ mạnh nên TTCK chưa thể tạo ra sự đột phá tích cực. Trong thời gian tới, mặc dù ít có khả năng dòng tiền lớn mạnh trở lại nhưng chúng tôi cho rằng, thị trường khó giảm sâu và ổn định ở mức thấp hơn. Nhận định này xuất phát từ một số lý do: tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục được cải thiện trong quý III và IV và đạt mục tiêu trên 6,5%, doanh thu và lợi nhuận của DN tiếp tục được cải thiện; lạm phát được kiểm soát giúp tâm lý cho NĐT ổn định (dự kiến CPI sẽ ở mức thấp 8%); định giá cổ phiếu đã ở mức khá hợp lý để đầu tư khi P/E dự phóng cho năm 2010 gần 10x, trong đó có rất nhiều cổ phiếu PE chỉ từ 5 - 7x . Như vậy, chỉ có dòng tiền không thực sự hỗ trợ tốt cho TTCK trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, tôi coi đây là cơ hội cho các NĐT trung hạn để cơ cấu danh mục. Với các NĐT ngắn hạn, tiếp tục quan sát dòng tiền có lẽ là sự lựa chọn tốt hơn trong thời điểm hiện tại.

Ngọc Giang thực hiện
Ngọc Giang thực hiện

Tin cùng chuyên mục