Verizon chi 130 tỷ USD thâu tóm Vodafone

(ĐTCK) Hãng điện thoại di động lớn nhất nước Mỹ Verizon Communications hôm thứ Hai tuần này đã chấp thuận chi ra 130 tỷ USD mua lại cổ phần tại hãng dịch vụ không dây khổng lồ Vodafone.
Lowell C. McAdam Lowell C. McAdam

Số tiền khổng lồ này để đặt cược cho niềm tin của CEO McAdam của Verizon Communications rằng, nhu cầu điện thoại di động và dịch vụ băng thông rộng sẽ vẫn tiếp tục tăng tại Mỹ.

Thương vụ mua lại chính đối tác liên doanh lâu năm này của Adam cũng là một cuộc thâu tóm tầm cỡ thập kỷ trong việc sử dụng thị trường nợ để hỗ trợ tài chính cho thương vụ.

Quy mô thương vụ là khổng lồ xét trên bất cứ khía cạnh nào: số tiền chi cho thương vụ gần bằng toàn bộ giá trị thị trường của Verizon. Trong các điều khoản của thương vụ phức tạp này, Verizon chấp thuận trả 58,9 tỷ USD tiền mặt cộng với 60,2 tỷ USD cổ phiếu của mình cho cổ đông Vodafone. Verizon cũng sẽ bán số cổ phần thiểu số của mình ở chi nhánh Vodafone tại Ý với giá 3,5 tỷ USD, cùng với một chuỗi giao dịch nhỏ khác đi kèm theo thương vụ. Tổng số tiền 130 tỷ USD mới chỉ là để mua 45% Vodafone, đồng nghĩa với việc toàn bộ hãng không dây Anh quốc này được định giá gần 290 tỷ USD.

Để đảm bảo Verizon kham nổi thương vụ, các ngân hàng tư vấn khẳng định rằng, thị trường nợ sẽ hỗ trợ được. Các nhà bảo lãnh phát hành của Verizon có khả năng sẽ phát hành hơn 40 tỷ USD trái phiếu, đưa Verizon trở thành đơn vị phát hành trái phiếu lớn nhất trong thời gian này. Công ty và các ngân hàng tư vấn của mình cũng làm việc miệt mài với các hãng xếp hạng nợ, nhằm bảo toàn xếp hạng đầu tư tín dụng của Verizon.

Sẽ không có thay đổi gì lớn cho 100 triệu khách hàng của Verizon Wireless - đơn vị kinh doanh mạng không dây của Verizon Communications, nhưng thương vụ là để đảm bảo vị thế số 1 của Verizon trước những đối thủ cạnh tranh mới như SoftBank của Nhật. Trong khi đó, phân khúc mạng không dây đang có những cơ hội phát triển. Báo cáo quý gần nhất của Verizon Communications cho thấy, mảng kinh doanh không dây đã đem lại tới 20 tỷ USD trong tổng số 30 tỷ USD doanh thu của Công ty.

“Thị trường viễn thông Mỹ sẽ có một giai đoạn tăng trưởng mạnh”, Lowell C. McAdam, CEO của Verizon phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. “Đây là thời điểm hoàn hảo đối với chúng tôi”.

Sự lạc quan của McAdam có vẻ đi ngược lại thực tế xám xịt: “Trong quý II vừa qua, tăng trưởng của thị trường mạng không dây rơi xuống 2,2%, con số thấp nhất từ trước tới nay”, theo Craig Moffett, một chuyên viên phân tích của Moffett Research.

Những hãng cung cấp dịch vụ như Verizon đã phát biểu rằng những thiết bị mới như máy tính bảng sẽ giúp cải thiện tăng trưởng, nhưng Moffett cũng cho biết, khoảng 90% máy tính bảng chỉ mua kết nối tới Wi-Fi, chứ không mua các dịch vụ không dây truyền thống. Các thị trường khác tiềm năng cho mạng không dây như ô tô hay hệ thống an ninh gia đình lại không chắc là sẽ đem lại tăng trưởng nào đáng kể.

Nhưng McAdam đã viện dẫn xu hướng “đói” thông tin của người tiêu dùng ở khắp các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục và khẳng định: “Tôi không nghĩ thị trường không dây đã mất động lực”.

Đối với Vodafone, thương vụ sẽ đem lại một khoản tiền khổng lồ giúp Hãng tái cơ cấu lại ngành viễn thông châu Âu. Ngành này đang phải vật lộn với lợi nhuận thấp và tính cạnh tranh quốc tế ngày càng cao.

Trong nhiều năm qua, các thành viên quản trị cả hai bên đã có những cuộc đàm phán dài để chuyển từ mối quan hệ liên doanh sang một đơn vị hợp nhất. Nhiều lựa chọn đã được đưa ra, trong đó có việc hợp nhất toàn bộ các công ty của Verizon và Vodafone vào với nhau. Nhưng Vodafone vẫn lưỡng lự không muốn kết thúc một mối quan hệ có lợi như vậy, khi mà Hãng vẫn nhận về cổ tức hàng tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu đã khiến Hãng củng cố hơn nữa ý muốn phải duy trì một nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, quá trình đã có tiến triển kể từ khi McAdam lên nắm vị trí CEO của Verizon hồi năm 2010. Ông đã tạo nên một mối quan hệ đặc biệt gắn kết với người đồng cấp của mình ở Vodafone, Colao.

Được duy trì dưới cái tên “Project River” (Dự án Dòng sông), trong đó Verizon được gọi tên là “Hudson” và Vodafone được gọi là “Thames”, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục và kết quả đã đạt được vào giữa tháng 7 năm nay. McAdam khi đó đang ở San Francisco để mở một trung tâm sáng tạo cho Verizon, còn Colao từ Australia bay về nước và hai bên đã gặp mặt nhau.

“Mọi thứ được chốt hạ như việc xếp một khối Rubik”, McAdam nói.


Quang Minh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục