Venezuela vỡ nợ

Quốc gia Nam Mỹ vừa lỡ một hạn chót trả nợ và có thể sớm phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua lương thực. Ảnh:Reuters Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ mua lương thực. Ảnh:Reuters

S&P Global Ratings cho biết thời gian ân hạn 30 ngày với một khoản vay đáo hạn vào tháng 10 của Venezuela đã kết thúc.

Thông báo vỡ nợ được S&P đưa ra sau cuộc gặp hôm qua của quan chức chính phủ Venezuela với các trái chủ ở thủ đô Caracas.

Cuộc gặp này khá ngắn và không làm rõ được kế hoạch của Chính phủ trong việc tái cấu trúc các khoản nợ. Việc vỡ nợ sẽ khiến nước này phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, có khả năng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.

Nếu số người nắm giữ một loại trái phiếu bất kỳ đòi hoàn trả đầy đủ và ngay lập tức, việc này có thể châm ngòi cho nhà đầu tư các loại trái phiếu khác làm điều tương tự.

Vì Venezuela không có đủ tiền để trả cho tất cả trái chủ hiện tại, nhà đầu tư có quyền lấy tài sản của nước này, chủ yếu là thùng dầu, để mang đi.

Venezuela không có nguồn thu nhập đáng kể nào ngoài xuất khẩu dầu mỏ. Chính phủ nước này từ nhiều năm nay đã không thể cung cấp đủ lương thực và thuốc men cho người dân. Hậu quả là người Venezuela phải xếp hàng nhiều giờ để chờ mua thực phẩm và nằm trong các bệnh viện thiếu thuốc men, thiết bị.

Nếu nhà đầu tư mang dầu đi, việc thiếu hụt sẽ càng thêm trầm trọng. Dù vậy, hiện giới quan sát vẫn chưa rõ các trái chủ sẽ làm gì tiếp theo. Argentina từng trải qua đợt vỡ nợ tương tự. Các trái chủ đã đấu tranh với Chính phủ nước này suốt 15 năm cho đến khi dàn xếp được vào năm 2016.  

Venezuela và hãng dầu mỏ quốc doanh - PDVSA hiện nợ các trái chủ hơn 60 tỷ USD. Tổng cộng, nước này nợ khoảng 196 tỷ USD, theo nghiên cứu của Harvard Law Roundtable.

Ngoài các khoản nợ trái phiếu, Venezuela còn nợ tiền Trung Quốc, Nga, các hãng cung cấp dịch vụ dầu mỏ, các hãng hàng không Mỹ và nhiều tổ chức khác. Ngân hàng trung ương nước này hiện chỉ còn 9,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối, vì đã rút dần những năm qua để trả nợ.  

Chính phủ Venezuela đổ lỗi cho “cuộc chiến kinh tế” do Mỹ gây ra, khiến họ ngập trong nợ nần. Gần đây, Chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump còn áp các lệnh trừng phạt tài chính lên Venezuela và PDVSA, cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch hoặc đầu tư vào trái phiếu phát hành mới của Venezuela.

Đồng bolivar của Venezuela đang mất giá kỷ lục, với 1 USD đổi được 55.200 bolivar. Con số này hồi đầu năm chỉ là 3.200 bolivar. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo lạm phát tại đây sẽ lên 650% năm nay và 2.300% năm 2018.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục