VEC: Lấn sân sang bất động sản có sai?

(ĐTCK) Là đơn vị có nhiệm vụ chính trong xây dựng các tuyến cao tốc trên phạm vi toàn quốc, nhưng Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại dính nhiều lỗi trong quá trình hoạt động. Điều khó hiểu là trong khi “ốc không lo nổi mình ốc” thì doanh nghiệp này lại xin kinh doanh thêm lĩnh bất động sản trái với quy định hiện hành.
Được cấp vốn lên 22.000 tỷ đồng/5 dự án, nhưng một số dự án của VEC vẫn chậm tiến độ. Được cấp vốn lên 22.000 tỷ đồng/5 dự án, nhưng một số dự án của VEC vẫn chậm tiến độ.

Hàng loạt tồn tại

Đầu năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã ra văn bản thông báo kết quả kiểm toán Dự án xây dựng Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đây là công trình do VEC làm chủ đầu tư với mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công trình này sai từ công tác khảo sát đến lập dự án. Việc lập đề cương khảo sát không có nội dung thủy văn, thay vào đó lại sử dụng số liệu điều tra, tính toán thủy văn của một số dự án tương tự.

Công tác khảo sát địa chất công trình không khoan bổ sung khi gặp nền đất yếu theo quy định của Tiêu chuẩn 22TCN 263-2000, chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định ở công tác lập thiết kế cơ sở nên phải thay đổi hướng tuyến 2 lần.

Không những vậy, công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu, dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.

Việc dự án bóc tách sai khối lượng so với với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình hơn 1,7 tỷ đồng và việc áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp tại công trình dẫn tới làm tăng giá trị dự toán hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt là hơn 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều mẫu bê tông nhựa và thành phần hạt của các lớp kết cấu không đạt yêu cầu, độ bằng phẳng ngang mặt đường cũng không đạt yêu cầu kỹ thuật dự án.

Từ những sai phạm trên, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu VEC giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện đến tháng 6/2013 trên 346 tỷ đồng, phải khẩn trương thu hồi số tiền tạm ứng chưa thu hồi hết theo quy định của hợp đồng là 30 tỷ đồng; mở rộng phạm vi kiểm định đối với những chỉ tiêu có sai sót (thành phần hạt của các lớp cấp phối đá dăm và các lớp bê-tông nhựa…).

Đồng thời, VEC phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trước những vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước nêu và làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát. Dự án này đã đội vốn từ 3.733,3 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng và VEC phải giải trình cơ quan kiểm toán.

Kế đến là Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đây là dự án đường cao tốc quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245 km, đi qua địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, tổng mức đầu tư được điều chỉnh giai đoạn 1 là 1.464 triệu USD.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông xe (ngày 21/9/2014), đến ngày 23/9/2014, tại km 83 địa phận Yên Bái đã xảy ra hiện tượng nứt, lún.

Ngoài ra, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị chậm tiến độ. Tuyến đường có chiều dài 140 km qua thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD, do VEC làm chủ đầu tư kế, hoạch thông xe là ngày 30/6/2018 nhưng đến nay, theo phản ánh của người dân, dự án còn vướng nhiều mắc về phương án, giá bồi thường.

Đặc biệt, đối với các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại của VEC, trung tuần tháng 6/2018, Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất phương án xử lý, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Đức Hải, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đối với các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại do VEC làm chủ đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất phương án xử lý, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

  VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Trước đó, trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội, giải thích về việc chuyển vốn vay 22.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án của VEC thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc này đã xảy ra từ lâu, khi chưa có Luật Đầu tư công, chưa có Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo quản lý an toàn nợ công).

Chính phủ quyết định bố trí vốn cho VEC, lý do là tổng công ty này thực hiện một số dự án đường cao tốc vừa mang yếu tố kinh tế, kỹ thuật, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể thừa nhận, thủ tục chưa khép kín, chưa xong, làm chậm và khi có Luật Đầu tư công, có Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị thì khoản tiền này vẫn chưa báo cáo Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án của VEC là 22.000 tỷ đồng.

Thực tế, giai đoạn 2008 - 2016 đã giải ngân 26.000 tỷ đồng. Báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cần có đánh giá tổng thể về triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát của VEC.

… còn xin lấn sân sang bất động sản

Mặc dù đã được bố trí đến 26.000 tỷ đồng nhưng một số dự án của VEC vẫn chậm tiến độ, gặp sự cố và doanh nghiệp này tiếp tục “kêu” khó khăn về vốn, chẳng hạn vốn cho Dự án trụ sở Tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội).

Điều đáng nói, VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không được kinh doanh đầu tư bất động sản, nhưng Tổng công ty lại có các tờ trình xin được “lấn sân” sang lĩnh vực này.

Văn bản số 2848 ngày 18/8/2017 của VEC về việc thay đổi mục tiêu và đối tác đầu tư Dự án Trụ sở VEC tại Lô 20 - E4, Khu đô thị mới Cầu Giấy gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu: “Kế hoạch chiến lược phát triển của VEC trong 5 năm tới từ nay đến 2020 của các khối Ban quản lý dự án là 200 người và khối các công ty thành viên, công ty liên kết là 1.950 người, nâng tổng số cán bộ của VEC lên 2.300 người.

Về nhu cầu trụ sở và nhân lực giai đoạn 2020 - 2030, dự kiến tổng số cán bộ thuộc khối Văn phòng Tổng công ty tăng từ 150 lên 220 người; Ban quản lý Đường cao tốc phía Bắc tăng từ 30 lên 60 người; công ty thành viên (văn phòng chính VEC O&M) tăng 30 người (từ 30/tổng số 575 người lên 65/tổng số 750 người)”.

Cũng tại văn bản này, VEC cho biết, nhu cầu thực tế trong tương lai của Tổng công ty chỉ bằng 1/10 so với tổng diện tích sử dụng của tòa nhà tại Lô 20 - E4 khi hoàn thành theo quy hoạch.

Vì thế, nếu VEC tự xây dựng sẽ không phát huy, tận dụng tối đa hiệu quả kinh tế và sẽ có một số khó khăn trong công tác vận hành, quản lý, khai thác tòa nhà. Do đó, VEC đã có thỏa thuận, liên kết với một chủ đầu tư khác để trình xin cùng kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản).

Tuy nhiên, trong Điều lệ hoạt động của VEC, mục ngành nghề kinh doanh có ghi: “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Chi tiết: cho thuê tài sản trên đất, cho thuê văn phòng, mặt bằng kinh doanh”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một luật sư nhận xét, nội dung trên trong điều lệ hoạt động của VEC (năm 2016) và việc VEC xin kinh doanh bất động sản là trái với Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ (năm 2015).

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục