VEA: Cổ đông nhỏ chất vấn cổ đông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên 2020 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA, UPCoM) vừa diễn ra, cổ đông nhỏ đã chất vấn cổ đông lớn - Bộ Công thương - về nhiều vấn đề.
VEA: Cổ đông nhỏ chất vấn cổ đông lớn

Tuy cổ phần hóa từ đầu năm 2017 nhưng đến nay, VEA vẫn chưa quyết toán cổ phần hóa để hoàn tất bàn giao sang công ty cổ phần.

Trước tình trạng chậm trễ trên, tại ĐHCĐ thường niên 2020 của VEA vừa diễn ra, cổ đông Nguyễn Thị Nga đã đề nghị lãnh đạo VEA phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quyết toán cổ phần hóa để hoàn tất bàn giao từ công ty TNHH sang công ty cổ phần.

Cổ đông này cũng đề nghị Bộ Công thương và ban lãnh đạo VEA cần có ý kiến với Bộ Tài chính sớm trả lời về việc chi trả cổ tức năm 2019.

Giải trình với cổ đông, lãnh đạo VEA cho biết, theo quy định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý các tồn tại tài chính của doanh nghiệp và ban hành quyết định phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, cũng như quyết toán chi phí cổ phần hóa, kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Bộ Công thương đã thành lập Tổ quyết toán cổ phần hóa nhưng chưa hoàn thành công việc này…

Liên quan đến giải quyết khúc mắc về chi trả cổ tức, đại diện VEA cho biết, theo quy định, bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEA phải báo cáo xin ý kiến và phải có ý kiến của cơ quan chủ sở hữu là Bộ Công thương. Bởi vậy, Bộ sẽ có ý kiến trả lời bộ phận đại diện vốn nhà nước khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính…

Một nội dung “nóng” nữa được cổ đông thắc mắc là thời gian qua, Ban lãnh đạo VEA có nhiều xáo trộn trong bối cảnh vị trí CEO (hàm ý người được bổ nhiệm là ông Nguyễn Khắc Hải - PV) mới không được bổ nhiệm từ nội bộ Công ty.

Theo giải trình của ông Nguyễn Khắc Hải, người vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VEA, việc thay đổi CEO không làm thay đổi cơ chế và chiến lược điều hành của Tổng công ty...

Sở dĩ cổ đông đưa ra chất vấn trên bởi vào quý III/2019, sau khi cơ quan công an khởi tố hình sự vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP và một số đơn vị thành viên”, cũng như một số lãnh đạo chủ chốt tại VEA, đã xuất hiện tình trạng biến động nhân sự cấp cao tại Công ty.

Trong đó, đáng chú ý là sự kiện vào đầu tháng 4/2020, “người ngoài” VEA là ông Nguyễn Khắc Hải, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp - CTCP, một công ty có vốn nhỏ hơn cả chục lần so với VEA, được bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của VEA.

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, Bộ Công thương là cổ đông lớn nắm giữ gần như tuyệt đối cổ phần tại Công ty, với tỷ lệ lên tới hơn 99,57% cổ phần.

Ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên năm nay, ông Nguyễn Khắc Hải được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VEA, đồng thời nhường chức Tổng giám đốc cho ông Phan Phạm Hà.

Cổ đông nhỏ cũng đặt dấu hỏi về những sai phạm của cựu CEO trong những năm gần đây. Theo giải trình của đại diện VEA, Bộ Công thương đã thanh tra toàn diện Tổng công ty từ năm 2010 đến tháng 6/2018 về các vấn đề quản lý vốn và tài sản.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan công an xem xét hồ sơ và có kết luận 5 người có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý vốn và tài sản trong giai đoạn từ 2012 - 2016…

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục