Những đồi cát trắng trải dài tít tắp, chạy dọc ven biển từ lâu đã được biết đến như một biểu trưng cho mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió. Nếu trước đây, cát trắng gắn với sự nghèo đói, vất vả của người dân Quảng Bình, thì nay, cát như một “hấp lực” hấp dẫn du khách thập phương, biến Quảng Bình thành một “viên kim cươn xanh” của du lịch thế giới.
Trên những đồi cát mênh mông bao la bát ngát ấy, những cây cỏ rười, cỏ mật, những cây dương liễu mọc lên khẳng khiu, xen lẫn những hồ nước cạn trong vắt, xanh biêng biếc tạo nên những sắc thái cảm xúc khó tả cho những người mới lần đầu đặt chân đến đây.
So với những triền cát của Bình Thuận, Ninh Thuận vốn đã được nhiều người biết đến, thì dải cát ven biển Quảng Bình trắng mịn hơn, đẹp hơn, chất ngất hơn. Dải cát dọc ven biển ấy, nếu tính từ hướng Nam - Bắc, điểm đầu được xác định từ khu vực bàu Sen (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy), nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Trị và điểm cuối kết thúc tại bán đảo Bảo Ninh - TP. Đồng Hới.
Một dự án khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng trên vùng cát trắng Đông Quảng Bình
Cát gắn bó, hằn in trong tâm thức với người dân xứ Quảng từ bao đời. Hàng trăm năm qua, người dân đã tận dụng những triền cát trắng bằng phẳng hay các bãi bồi nằm gần các khe nước để đến mùa Thu, mùa Xuân trồng lên những ngọn khoai, nương ngô “cứu đói” cho mùa giáp hạt.
Trước đây, dường như có rất ít khách phương xa biết được rằng, Quảng Bình lại có những đồi cát trắng đẹp đến như thế. Các đồi cát trải dài tít tắp, nối tiếp nhau tưởng như vô tận, tựa như một bức tranh thủy mặc với hai gam màu xanh của da trời, trắng của cát.
Từ trên chính những đồi cát trắng ấy, nhìn ra biển lớn xanh bao la hay nhìn lên những dãy núi cao phía Trường Sơn, du khách thấy mình như được thả hồn bồng bềnh cùng mây gió, mọi ưu tư phiền muộn trở nên tan biến.
Cát vẫn trắng như thế, nắng và gió vẫn khô khốc như thế, nhưng giờ đây, sau hàng thế kỷ đằng đẵng trôi đi, dải cát trắng mênh mông ấy đã dần hiển lộ ra một “viên kim cương xanh” tuyệt đẹp.
Một công trình tại tổ hợp dự án FLC Quảng Bình được xây dựng tại khu vực cát trắng ven biển huyện Quảng Ninh
Mọi chuyện bắt đầu khi tuyến đường tránh lũ Quốc lộ 1A được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. Con đường đã trở thành “đôi đũa thần” đánh thức tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng của một vùng cát trắng bao la, vốn chỉ có nắng và gió này. Sau sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình vào năm 2015, khu vực ven biển Quảng Bình dần được nhiều nhà đầu tư chú ý và đến tham quan khảo sát.
Và rồi trong số đó, Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã quyết định đầu tư thực hiện tổ hợp du lịch giải trí nghỉ dưỡng cao cấp lên đến 13.000 tỷ đồng, nhằm biến nơi đây trở thành “trung tâm du lịch nghỉ dưỡng” của miền Trung.
Đây là tổ hợp dự án được xem như lớn nhất mà Tập đoàn FLC đầu tư trên cả nước với điểm nhấn chính là hệ thống hàng loạt sân golf tiêu chuẩn quốc tế 18 - 36 lỗ và các biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Không chỉ FLC, nơi đây hiện còn đang thu hút những nhà đầu tư lớn khác như T&T với Dự án Khu đô thị du lịch hỗn hợp Dinh Mười (28.800 tỷ đồng), TMS Resort của Công ty cổ phần Toàn cầu TMS (4.835 tỷ đồng), hay mới đây nhất là tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng, sân golf Sunrise Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh (3.500 tỷ đồng)…
Và đâu chỉ có sân golf, khu nghỉ dưỡng, nắng và gió trên những triền cát bao la ven biển Quảng Bình cũng là một thứ tiềm năng hiện hữu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, dọc các bãi cát ven biển các xã Ngư Thủy Bắc, Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, khu vực phía Nam của tổ hợp dự án FLC, số giờ nắng ở các khu vực này đo được cho kết quả từ 1.650 - 1.820 giờ mỗi năm, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm khoảng 4,03 kWh/m2/ngày (nguồn số liệu của NASA). Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng các dự án điện mặt trời. Và Tập đoàn Dowha (Hàn Quốc) đã trở thành nhà đầu tư tiên phong đầu tư dự án điện mặt trời tại đây với công suất 49,5 MW.
Riêng với điện gió, các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, như Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Hưng Thủy, Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) là những vị trí qua khảo sát cho thấy vận tốc gió đạt bình quân từ 5,5 - 6,5 m/s, hoàn toàn có thể đáp ứng điều kiện để phát triển loại hình năng lượng ít chiếm dụng đất sản xuất này.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương nghiên cứu về phát triển Sân bay Đồng Hới. Như vậy, trong tương lai không xa, khi Sân bay Đồng Hới được nâng cấp mở rộng, đây sẽ là cú huých rất lớn với kinh tế Quảng Bình, trong đó một dải cát trắng ven biển vùng Đông Quảng Bình được dự đoán sẽ tiếp tục vào tầm ngắm của các nhà đầu tư lớn. Cơ hội để nơi đây trở thành “thủ phủ” mới của ngành năng lượng tái tạo và du lịch nghỉ dưỡng hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com