Vẽ lại chân dung doanh nghiệp Việt bằng M&A

0:00 / 0:00
0:00
Có nhiều yếu tố khiến “cuộc chơi” M&A trên thị trường Việt Nam luôn được dẫn dắt bởi các tên tuổi ngoại, song các “ông lớn” trong nước cũng không từ bỏ cơ hội vươn lên giành thị phần.

Thời cơ chạm vào “kỳ lân”

Cuối năm 2021, dồn dập thông tin về mua bán - sáp nhập (M&A) được công bố đúng như những gì các chuyên gia đã dự báo về dòng vốn đầu tư qua việc mua bán cổ phần giữa các doanh nghiệp. Đáng chú ý, thị trường đang chứng kiến sự chuyển hướng sang các công ty trong nước, khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A. Trong khi đó, trước đây, hoạt động M&A chủ yếu được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Chưa có con số thống kê chính thức về số thương vụ M&A và giá trị đến thời điểm này, nhưng theo số liệu của KPMG Việt Nam, thị trường M&A Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 khi đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng của năm 2021, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Khoảng 58% giá trị M&A này đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

Trong đó, các nhà đầu tư trong nước đã tham gia mạnh mẽ vào hoạt động M&A với 133 giao dịch; các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành lần lượt 30 và 19 giao dịch. Đặc biệt, các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD, chỉ kém 68 triệu USD so với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần FE Credit (trị giá 1,3 tỷ USD), thì các doanh nghiệp Việt Nam vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.

Có thể nói, Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong ngắn hạn, khiến họ phải áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc đầu tư, khi các chuyến kiểm tra thực địa khó thực hiện trong điều kiện dịch bệnh. Đây cũng là lúc để các doanh nghiệp Việt được định giá lại để trở thành “kỳ lân”.

MoMo hẳn là tên tuổi trong lĩnh vực fintech không thể bỏ qua. Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) cho biết, Mizuho đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á cũng như lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện. Nhắm đến MoMo, Mizuho Bank đã chi 20 tỷ yên (170 triệu USD) mua 7,5% cổ phần M-Service (công ty sở hữu MoMo) và trở thành người dẫn dắt vòng gọi vốn thứ 5. Sau thương vụ, MoMo trở thành “kỳ lân” với định giá trên 2 tỷ USD.

Về phần mình, đại diện MoMo khẳng định, kế hoạch IPO sẽ được xem xét trong vài năm tới. Các nhà đầu tư vẫn đang hài lòng với kết quả kinh doanh và chưa có kế hoạch thoái vốn. Đồng thời, MoMo đã nhận được khá đủ vốn đầu tư và chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, “kỳ lân” công nghệ VNG cũng đang cân nhắc huy động 200 - 300 triệu USD trước khi niêm yết ở Mỹ thông qua công ty rỗng (SPAC). Giao dịch này nếu diễn ra có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.

Trong khi kế hoạch niêm yết SPAC vẫn đang được xem xét, VNG cũng chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ theo cách thông thường và đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc niêm yết tại Mỹ.

Gần đây, thông tin Quỹ đầu tư Quadria Capital tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên khắp Nam Á và Đông Nam Á sẽ rót 100 triệu USD vào chuỗi Con Cưng cũng được tung ra. Mặc dù phải đến giữa tháng 1/2022, hai bên mới công bố thương vụ này, nhưng dự báo, chuỗi Con Cưng sẽ có cuộc lột xác ngoạn mục với 1.000 cửa hàng mới được mở trong năm 2022.

Khát vọng lớn

Thực tế diễn biến thị trường cho thấy, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên, dẫn đầu là 5 tập đoàn lớn, gồm Vingroup, Masan, Novaland, Hòa Phát và Vinamilk.

Top “ông lớn” này đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ mức 248 triệu USD trong năm 2019 lên 1,21 tỷ USD vào năm 2020, chiếm một nửa tổng giá trị giao dịch M&A trong nước. Trong giá trị 1,61 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước 10 tháng đầu năm 2021, có 1,13 tỷ USD (11 thương vụ) do nhóm này thực hiện.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup chia sẻ, những năm gần đây, Nova hiện diện trên thị trường M&A nhiều hơn, nhưng thực tế, sự phát triển của Tập đoàn đã gắn liền với thị trường M&A từ rất lâu. Có đến 80 - 90% quỹ đất của Novaland được hình thành từ kênh M&A.

Trong khi đó, đối với Vinamilk, kế hoạch trong 5 năm tới là sẽ tiếp tục đầu tư cho M&A và có thể đầu tư để đi theo 1 ngành mới. “Chiến lược M&A của Vinamilk sẽ không thay đổi và chúng tôi luôn tìm cơ hội tốt để xem xét đầu tư cả trong và ngoài nước”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Không khó hiểu trước những động thái nói trên của các doanh nghiệp Việt. Thậm chí, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ hội thay đổi “chân dung” doanh nghiệp Việt chưa bao giờ lớn như vậy. Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, thời điểm này giống như cơn bão vừa quét qua, các doanh nghiệp cần dọn dẹp lại để đứng dậy mạnh hơn và các doanh nghiệp yếu phải “nhường sân”. Hầu hết các nước trên thế giới đều đầu tư để các tập đoàn lớn dẫn dắt thị trường, để làm nên tên tuổi một quốc gia có nền kinh tế mạnh.

Trên thị trường, không hiếm doanh nghiệp phát triển đa ngành và muốn rút đi. Trong khi đó, các nhà sáng lập doanh nghiệp ở Việt Nam có khát vọng rất lớn lao, lúc nào họ cũng tràn đầy năng lượng và muốn vươn lên, mở rộng, chiếm lĩnh thị phần. Chưa bao giờ họ nhìn thị trường Việt Nam kém hấp dẫn.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2021 do Báo Đầu tư tổ chức vào đầu tháng 12/2021, ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ, tại NovaGroup, hầu hết các nhân sự đều chuẩn bị cho việc chấp nhận thất bại, nhưng trước khi tuyên bố thất bại, họ luôn cố gắng 100%, thậm chí hơn thế. “Nếu cố gắng, vẫn còn dư địa để chạy tiếp được. Cứ làm, cứ theo đuổi mục tiêu đó đến cùng. Kinh doanh nhiều khi cũng là may mắn, không phải lúc nào cũng thắng, mình cứ hết sức đã”, ông Phiên nói.

Để thị trường sôi động hơn

Covid-19 tạo ra nhiều sự cản trở lớn, gồm cả việc tìm hiểu đánh giá về công ty mục tiêu, kế hoạch thoái vốn của Nhà nước và thứ tự ưu tiên trong các kế hoạch thực hiện. Khi khủng hoảng xảy ra, các doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên cho sự tồn tại, ổn định trước, rồi mới đến tăng trưởng, mở rộng. Điều này làm chậm tiến độ tìm kiếm đối tác, tăng vốn và mở rộng.

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Trà My, CEO The Pan Group - một trong những tên tuổi hàng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam nhờ các thương vụ M&A, còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách khiến M&A khó sôi động hơn.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để tài trợ cho các hoạt động M&A, bất kể công ty mục tiêu như thế nào.

Hiện tại, hầu hết các giao dịch M&A được tài trợ thông qua các khoản vay ngân hàng, quỹ đầu tư, hoặc từ nguồn tiền phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.

“Quy định trên sẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn huy động vốn để thực hiện giao dịch M&A, trong khi Thông tư số 16 không quy định giới hạn đối với các ngành nghề đầu tư rủi ro khác”, bà My nói.

Ngoài ra, những quy định tại Thông tư số 16 buộc doanh nghiệp phải huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, kém hiệu quả hơn. Họ cũng có thể tìm kiếm các “kẽ hở” hoặc “lách” các quy định. Điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn trong việc kiểm soát.

Bên cạnh đó, tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm. Trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 là yếu tố khách quan khiến tiến trình này càng chậm trễ hơn.

Bà Trà My cho rằng, còn nhiều quy định pháp lý cần hoàn thiện để có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, đơn cử như việc định giá đất đai sát với thị trường, một mặt tránh làm thất thoát vốn của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng không tạo ra trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa. Đây là vấn đề phức tạp và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Đất đai là một tài sản lớn của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn thường sở hữu quỹ đất lớn ở nhiều nơi, có vị trí đắc địa. Tuy nhiên, việc xác định giá đất khi cổ phần hóa còn rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Có thể thấy, cơ hội M&A trong các ngành nghề rất nhiều và sân chơi cho các doanh nghiệp đang rất rộng mở. Song, để chốt được thương vụ, theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, cần có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình M&A. “Nếu Chính phủ đặt mục tiêu sống còn là lực lượng doanh nghiệp Việt phải mạnh, thì cần nỗ lực thay đổi chính sách để thúc đẩy quá trình này”, PGS-TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục