Theo kế hoạch, VDSC sẽ chào bán riêng lẻ 150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định đến ngày đáo hạn là 11%/năm. Thời điểm chuyển đổi đầu tiên là sau 1 năm kể từ ngày phát hành, các đợt chuyển đổi tiếp theo cách nhau ít nhất 6 tháng. Quyền chuyển đổi do trái chủ quyết định.
Trong phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, VDSC có đưa ra kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014 - 2018, theo đó “phấn đấu đến hết năm 2016, VDSC có thể xoá lỗ luỹ kế, hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo”.
Tính đến cuối năm 2013, VDSC có lỗ lũy kế hơn 150 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2016, mỗi năm VDSC phải có lãi tối thiểu 50 tỷ đồng.
Thực tế, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 mà VDSC đưa ra chỉ 12 tỷ đồng. Giả sử đây cũng là con số lợi nhuận sau thuế, điều này đồng nghĩa với việc trong 2 năm 2015 và 2016, mỗi năm, VDSC phải lãi ròng 69 tỷ đồng. Đây thực sự là một mục tiêu đầy thách thức, đặc biệt nếu thị trường diễn biến không thuận lợi như dự báo.
Năm 2013, VDSC lãi ròng chỉ hơn 1,5 tỷ đồng, thị phần môi giới đạt 2,46%. Tính đến thời điểm 31/12/2013, tiền gửi ngân hàng của VDSC là 200 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là tiền ký quỹ của nhà đầu tư và tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán.
Năm 2014, VDSC dự kiến tăng thêm tối thiểu 3.000 tài khoản, đưa tổng số tài khoản đến cuối năm lên 60.000; thị phần môi giới 2,5%, đưa VDSC vào TOP 10; doanh thu môi giới khoảng 30 tỷ đồng.
Nếu thị trường tiếp tục sôi động như những tháng đầu năm, VDSC có thể vượt kế hoạch doanh thu môi giới đặt ra, vì kế hoạch của VDSC được xây dựng trên giả định giao dịch bình quân toàn thị trường mỗi phiên là 1.500 tỷ đồng, trong khi con số thực tế những tháng đầu năm cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, để hỗ trợ cho mảng môi giới, VDSC đưa ra kế hoạch duy trì số dư cho vay ký quỹ bình quân tối thiểu 150 tỷ đồng.