Những dấu ấn đầu tiên
Giữa quý III/2008, thị trường phía Nam có tin đồn một công ty trong nước đang đàm phán mua lại một công ty sản xuất vật liệu xây dựng nước ngoài. Thông tin sốt dẻo được thị trường quan tâm có lý do. Thứ nhất, đó là trường hợp hiếm hoi một DN trong nước ngược dòng mua lại một công ty nước ngoài.
Thứ hai, các DN nội địa vừa lao đao với cú sốc lạm phát và lãi suất trên 20%/năm, tên tuổi nào đủ tài chính và nguồn lực đứng ra tiến hành hoạt động M&A? Sau cùng, sân chơi M&A trước đó cầm trịch bởi các tổ chức tư vấn nước ngoài, nhưng lần này, tin đồn, đơn vị tư vấn là một tên tuổi nội địa.
Sau nhiều chờ đợi, danh tính các bên cũng được hé lộ trong buổi lễ ký kết chính thức: Nhà máy liên doanh Xi măng Holcim mua lai CTCP Vật liệu xây dựng Cotec (Cotec Group).
Với giá trị 45 triệu USD, đây là thương vụ chuyển nhượng có giá trị lớn nhất tính ở thời điểm công bố giữa bên mua nội địa với một đối tác nước ngoài. Sự ngạc nhiên chưa hết khi đơn vị tư vấn duy nhất là CTCK Bản Việt (VCSC) mới có hơn 1 năm tuổi đời. Đây cũng là thương vụ tư vấn M&A đầu tiên của một CTCK.
Trong buổi lễ ký kết cách đây 7 năm, ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCSC chia sẻ, buổi lễ ký kết đã hai lần phải tạm hoãn. Lãnh đạo VCSC nhận định, Việt Nam chưa có luật chuyên ngành cho riêng hoạt động M&A, nên các chủ thể tham gia hoạt động gặp không ít khó khăn.
Chẳng hạn, các công ty Việt Nam, ngoài nhận thức và hệ thống quản trị nội bộ còn yếu, gặp các thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài, thấy rõ sự vênh nhau giữa chuẩn mực quốc tế và địa phương, xuất hiện khoảng cách khá lớn về định giá tài sản, thương hiệu… Bởi vậy, trong các thương vụ M&A, vai trò cầu nối của “bà mối” tư vấn hết sức quan trọng.
Khó khăn là vậy nhưng không lâu sau dấu ấn đột phá đầu tiên, VCSC thực hiện thương vụ tư vấn sáp nhập thứ hai. Thương vụ lần này là tư vấn sáp nhập công ty “con” PVD Invest vào công ty “mẹ” PV Drilling, thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa một công ty OTC và một công ty niêm yết.
Sau đó, VCSC tiếp tục đóng vai trò tư vấn cho các thương vụ mang tính chất khai phá như: tư vấn Xi măng Hà Tiên 2 sáp nhập vào Hà Tiên 1, thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa các công ty niêm yết; tư vấn CTCP Mirae Fiber sáp nhập vào CTCP Mirae, thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa hai DN niêm yết có yếu tố FDI.
Bằng sự kiên trì của các bên tham gia và kinh nghiệm của đơn vị tư vấn, các khó khăn được tháo gỡ, đặc biệt là các vướng mắc về mặt pháp lý, đã khơi thông cho các thương vụ M&A sau này.
Không chỉ khẳng định với các thương vụ M&A có tính chất tiên phong, VCSC còn thực hiện nhiều thương vụ lớn như tư vấn cho Masan Group chào mua công khai 50,1% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa (2011), tư vấn cho Masan Consumer chào bán riêng lẻ cổ phần cho KKR - một trong các tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới (2012), tư vấn cho Nguyễn Kim bán 49% vốn cho Tập đoàn Thái Lan Central Group (2014), tư vấn cho Metro Pacific Tollway mua 41% cổ phần của Công ty Cầu đường CII (2014)…
Chiến lược khác biệt
VCSC hiện tại được xem là một trong ba CTCK tên tuổi, đã khẳng định được vị thế trên thị trường vốn, dù mới đi vào hoạt động phân nửa thời gian 15 năm tuổi của TTCK Việt Nam. Thành lập vào cuối năm 2007, nòng cốt ban đầu của Công ty là các nhân sự có bề dày kinh nghiệm trong ngành chứng khoán, quỹ đầu tư và công ty kiểm toán, với mức vốn ban đầu 360 tỷ đồng. Sau 7 năm hoạt động, vốn điều lệ của Công ty nâng lên 500 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đã đạt 731 tỷ đồng hồi cuối năm 2014.
Với thành tựu được xác lập trong các thương vụ M&A đình đám, hoạt động tư vấn trở thành mắt xích quan trọng trong việc tạo ra các cơ hội cho VCSC, đóng góp cho sự phát triển bền vững của mảng môi giới chứng khoán. Thông qua hoạt động tư vấn, VCSC thu hút một lượng khách hàng đáng kể là cán bộ công nhân viên, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ của các công ty niêm yết, sắp lên sàn... Nhờ ưu thế trong hoạt động tư vấn và am hiểu cộng đồng DN Việt Nam, VCSC trở thành nhà cung cấp dịch vụ giao chứng khoán lô lớn và thu gom chứng khoán tốt nhất thị trường.
VCSC cũng là đơn vị tích cực trong việc giới thiệu các sản phẩm đầu tư đa dạng của thị trường Việt Nam đến nhà đầu tư thế giới, trong đó có các ngân hàng toàn cầu, các quỹ đầu tư chỉ số… Các sáng kiến đầu tư đa dạng được chuyển tải thông qua các báo cáo nhận định thị trường, chiến lược đầu tư, kinh tế vĩ mô, trái phiếu tiền tệ, báo cáo chuyên sâu về ngành và DN… được thực hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt đáp ứng nhu của khách hàng trong và ngoài nước. Báo cáo phân tích của công ty luôn được cộng đồng đầu tư đón nhận tích cực, tạo dấu ấn cho các DN mà VCSC phân tích.
Hoạt động môi giới chứng khoán ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong cơ cấu hoạt động và doanh thu của VCSC khi năm 2014, doanh thu từ hoạt động môi giới tăng 202% so với năm trước và đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu, chiếm 46%. Nhân sự môi giới tại VCSC được xác định là những chuyên viên tư vấn đầu tư và quản lý tài sản chuyên nghiệp cho khách hàng.
Chính sách đào tạo và cơ chế đãi ngộ xứng đáng đã khuyến khích sự nỗ lực và cam kết dài lâu. Nhân sự môi giới của VCSC vì thế mà ít biến động so với đặc thù nghề nghiệp. Văn hóa DN và sự đầu tư mạnh mẽ vào con người là một trong những yếu tố xây dựng nên niềm tin vào chất lượng dịch vụ của VCSC.
Bên cạnh đó, VCSC cũng chủ động làm cầu nối thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau. Các hoạt động kết nối được tổ chức thường xuyên trong nhiều ngành nghề như bất động sản, năng lượng, ngân hàng, sản xuất công nghiệp… VCSC đã nhiều năm tổ chức thành công hội nghị Vietnam Access Day (VAD), được đánh giá là hội nghị nhà đầu tư lớn nhất ngành.
Kết quả giai đoạn 2010 - 2011, Công ty vào Top 10 CTCK chiếm thị phần môi giới lớn nhất, với thứ hạng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, Công ty lọt vào Top 5. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, VCSC giữ vững vị thế trong Top 3 với thị phần môi giới năm 2014 đạt 6,52% và quý II/2015 đạt 7,99% trên HOSE.
Dấu ấn hiệu quả
Hoạt động cân bằng, vững chắc trên các mảng giúp VCSC phát triển ổn định ngay cả trong điều kiện thị trường biến động thất thường. VCSC cũng là CTCK hiếm hoi có lãi liên tục kể từ khi thành lập.
Dù vốn chủ sở hữu và quy mô nhân sự khiêm tốn, nhưng năm 2014 thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt gần 3.369 đồng, cao nhất trong các CTCK đang niêm yết. Năm 2014, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Công ty (ROE) đạt 26,7%, gấp đôi so với mức bình quân 13,04% của các CTCK trong Top 10 theo thống kê của Stoxplus và vượt trội so với mọi cổ phiếu chứng khoán niêm yết.
Từ năm 2011 đến nay, VCSC liên tục được công nhận qua nhiều giải thưởng từ các tổ chức đánh giá uy tín trong khu vực. Gần đây nhất, năm 2015, VCSC nhận được 2 giải thưởng “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam” từ Tạp chí Finance Asia và Euromoney và giải thưởng “Công ty tư vấn tài chính DN quy mô vừa tốt nhất Việt Nam” từ Alpha Southeast Asia.
Nhân sự được xem là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của VCSC. Ngoài đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, hiện tại, VCSC có dáng dấp một “công ty đa quốc gia” khi đang tập hợp đội ngũ nhân sự chất lượng cao đến từ nhiều nơi: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ…
Chất lượng nhân sự của VCSC được chứng minh bằng các con số. Chẳng hạn, với khoảng 80 nhân viên môi giới chính thức, VCSC giữ 7,99% thị phần môi giới tại HOSE vào quý II/2015. Tính trung bình, mỗi nhân viên môi giới tạo ra 0,1% thị phần, cao hơn nhiều lần các công ty tốp đầu.
Sau 15 năm phát triển, TTCK Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá khi quá trình cổ phần hóa các DNNN được khởi động, nền kinh tế Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng mới sau các hiệp định thương mại TPP, FTA…
Theo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, lĩnh vực tài chính - chứng khoán luôn là lĩnh vực hội nhập sớm nhất khi dòng vốn đầu tư luôn được khởi động đầu tiên. Với nền tảng đã xác lập, sự chuyên nghiệp và bề dày kinh nghiệm, VCSC đã sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới, chinh phục các mục tiêu kế tiếp.