VCR và nguy cơ mất dự án Cát Bà Amatina

(ĐTCK)  Dự án tỷ đô Cát Bà Amatina do CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) đã tìm được lối thoát sau khoảng thời gian dài tưởng chừng "chết yểu". Tuy nhiên, điều này lại không hề mang tới niềm vui cho các cổ đông của VCR.
Dự án Cát Bà Amatina một thời từng được vẽ ra rất hoành tráng Dự án Cát Bà Amatina một thời từng được vẽ ra rất hoành tráng

Theo biên bản Đại hội đồng cổ đông của VCR công bố ngày 21/6 vừa qua, một trong những vấn đề quan trọng được Ban lãnh đạo doanh nghiệp này lưu ý tại đại hội là câu chuyện về số phận của dự án Cát Bà Amatina do VCR làm chủ đầu tư.

Với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 1 tỷ USD, quy mô trên 172 ha và rất được kỳ vọng, thế nhưng Cát Bà Amatina đang khiến VCR lún sâu trong nợ nần. Dự án bắt đầu triển khai, cũng như tung một số sản phẩm ra thị trường từ khoảng năm 2009, 2010, khi đó chủ đầu tư từng công bố 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue đã có chủ. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn và nhiều yếu tố chủ quan khác đã khiến cho dự án này rơi vào cảnh điêu đứng.

Trong khi đó, do phải gánh chịu chi phí lãi vay quá lớn cộng với tiền bảo lãnh để đầu tư vào Dự án Cát Bà Amatina đã ăn mòn vào lợi nhuận khiến cho liên tiếp 11 tháng kể quý I/2012 đến quý III/2014, VCR liên tục báo lỗ nặng.

Ghi nhận 2 năm liên tiếp 2012 - 2013, VCR báo lỗ tương ứng hơn 40,8 tỷ và 35,1 tỷ đồng, trong khi những năm trước đó vẫn còn ghi nhận lãi lớn. Phải đến quý IV/2014, khi chi phí lãi vay giảm bớt, VCR mới có lợi nhuận trở lại trong các năm tiếp theo 2014, 2015, 2016 với lợi nhuận lần lượt ghi nhận ở mức 2,1 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.

Bước vào năm 2014 (sau 2 năm lỗ nặng trước đó), VCR làm việc với UBND TP. Hải Phòng xin cấp phép bán đất nền có hạ tầng kỹ thuật và xin giãn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh của dự án.

Bên cạnh đó, VCR cũng xin giãn tiến độ đầu tư dự án: 2006-2015 là đầu tư xây dựng hạ tầng và 2016-2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Ngoài ra, trong năm 2014, VCR cũng sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, móng một số biệt thự khu A3, B2-B3 của dự án Cát Bà Amatina để đưa vào kinh doanh.

Kết quả là 2 năm 2014 và 2015, VCR bắt đầu có nguồn thu trở lại từ dự án Cát Bà Amatina dù con số tuyệt đối chưa lớn.

Năm 2016, một tập địa ốc lớn được UBND TP. Hải Phòng cho phép tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển bền vững quần đảo Cát Bà để thực hiện đầu tư tại đây.

Theo báo cáo thường niên 2016 của VCR, đây là một điểm thuận lợi, tích cực cho dự án Cát Bà Amatina. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra và sự bê trễ của chủ đầu tư dường như khiến chính quyền địa phương hết kiên nhẫn khi đang có ý định thu hồi Cát Bà Amatina để chuyển giao cho nhà đầu tư khác.

Cụ thể, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của VCR cho biết, ngày 2/3/2017, UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng đã có Công văn số 54/TB- UBND về việc tạm dừng triển khai xây dựng mới các công trình thuộc dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi ranh giới khảo sát đề xuất của tập đoàn bất động sản nói trên trên địa bàn huyện Cát Hải.

Đến ngày 14/4/2017, Tổng công ty Vinaconex đã có Công văn số 0731/2017/CV-PC gửi Thành ủy TP.Hải Phòng đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên, đến ngày 4/5/2017, UBND TP. Hải Phòng đã có Công văn số 24/52/UBND- ĐC3 yêu cầu VCR cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến chi phí đầu tư, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, vốn góp đầu tư với tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án Cát Bà Amatina về Sở Tài chính Hải Phòng trước ngày 10/5/2017. Và trong quá trình xem xét các đề nghị của Vinaconex, UBND Thành phố yêu cầu VCR tạm dừng tất cả hoạt động liên quan đến xây dựng, đầu tư và chuyển nhượng tại dự án Cát Bà Amatina.

Theo đó, VCR buộc phải dừng tất cả các hoạt động liên quan, kể cả việc Công ty đã thu tiền từ kinh doanh biệt thự khu A3 và bán khu bãi tắm Tùng Thu (ký kết với Công ty Hoàng Gia Quảng Ninh) hồi đầu năm giờ cũng phải dừng lại. Và đó là nguyên nhân khiến VCR đặt kế hoạch không có doanh thu năm 2017 và chịu lỗ hơn 17 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2017, tổng nợ phải trả của VCR là hơn 553,53 tỷ đồng với nợ ngắn hạn là 405,02 tỷ đồng và 148,5 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong các khoản nợ ngắn hạn, VCR ghi nhận khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lên tơi 135 tỷ đồng, đồng thời có 114,4 tỷ đồng nợ phải trả khác.

Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 mới đây, Ban lãnh đạo VCR cho biết Công ty đang tiếp tục làm việc với TP. Hải Phòng, trường hợp địa phương này chuyển đổi chủ đầu tư dự án thì phải tạo điều kiện để VCR triển khai dự án khác trong thành phố. Ngoài ra, phải cân đối lợi ích của cổ đông Nhà nước khi TP Hải Phòng có phương án giao lại dự án cho nhà đầu tư khác.

Diễn biến tiếp theo của dự án Cát Bà Amatina và tình hình hoạt động của VCR sau biến cố này ra sao, Báo Đầu tư
Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu để phản ánh đến bạn đọc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục