VCCI: Nên thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất theo một tỷ lệ % nào đó thì cần có cơ chế để Nhà nước thu hồi đất?
Các doanh nghiệp cho rằng, để triển khai được dự án, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất. Ảnh minh họa. Các doanh nghiệp cho rằng, để triển khai được dự án, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất. Ảnh minh họa.

Đặt tỷ lệ % đất không thể thỏa thuận được, cần Nhà nước can thiệp

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi khuyến nghị trên tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong công văn góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tổng hợp các ý kiến từ doanh nghiệp.

Liên quan đến thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, Dự thảo Luật Đất đai đang thiết kế hai cơ chế thiết lập quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Một là, Nhà nước thu hồi đất để tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở (Điều 78).

Hai là, nhà đầu tư thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn (điểm c khoản 1 Điều 128). Trường hợp này Nhà nước không thu hồi đất (khoản 5 Điều 78);

Đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp. Trong các cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đối với các dự án nhà ở thương mại, đô thị nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất là … không khả thi và khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn để thực hiện.

Bởi vì, trong nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng sẽ bị “ách tắc” chỉ vì một hoặc một ít hộ dân không chịu thỏa thuận, hoặc yêu cầu mức giá quá cao. Trên thực tế doanh nghiệp không thể đàm phán, thoả thuận với hàng ngàn người dân trong một dự án lớn.

“Để có thể triển khai được dự án, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất”, VCCI tổng hợp kiến nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo phân tích của VCCI, việc Dự thảo phân tách Nhà nước thu hồi đất, dựa vào tính chất của đất như trên (Nhà nước thu hồi đất không phải là đất ở; nhà đầu tư thỏa thuận đất ở và các loại đất không phải là đất ở) dường như chưa phù hợp.

Bởi vì, có trường hợp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở và các đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở nhưng lại không thể thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, vì theo quy định tại trường hợp (2), đất đó phải có một phần là “đất ở”. Đây cũng là trường hợp vướng mắc lớn trên thực tế mà doanh nghiệp đã phản ánh trong mấy năm vừa qua.

Liên quan đến quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất, giữa Điều 128 và Điều 78, theo VCCI, đang quy định chưa thống nhất.

Cụ thể, khoản 2 Điều 128 Dự thảo quy định điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất là “việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 77, khoản 1 Điều 78 của Luật này”.

Có nghĩa, những đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi tại khoản 2 Điều 78 nhà đầu tư có thể thực hiện theo cơ chế thỏa thuận.

Nhưng, khoản 5 Điều 78 Dự thảo lại quy định “các dự án, công trình không thuộc quy định tại khoản 1, 2 và 3 của điều này thực hiện theo quy định tại Điều 121 và Điều 128 của Luật này”.

Câu hỏi mà VCCI đặt ra với Ban soạn thảo là dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở quy định tại khoản 2 Điều 78 Dự thảo sẽ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất hay là nhà đầu tư tự thỏa thuận?

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp, VCCI đề nghị cân nhắc sửa đổi quy định về tạo lập quỹ đất theo hướng.

Thứ nhất, bỏ cụm từ “sử dụng các loại đất không phải là đất ở” tại điểm a khoản 3 Điều 78; “đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất” tại điểm c khoản 1 Điều 128;

Thứ hai, thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất.

“Có thể đặt ra tỷ lệ % đất không thể thỏa thuận được mà Nhà nước phải can thiệp”, VCCI kiến nghị.

Thứ ba, rà soát lại quy định tại Điều 78, Điều 128 Dự thảo để đảm bảo thống nhất trong xác định các loại đất Nhà nước thu hồi, các loại đất nhà đầu tư được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận.

Đề nghị cho phép doanh nghiệp chọn trả tiền thuê đất một lần hoặc trả tiền thuê đất hàng năm

Cũng trong nội dung công văn góp ý Dự thảo Luật Đất đai, VCCI cho biết các doanh nghiệp đề nghị cho phép doanh nghiệp lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm, tùy thuộc vào tình hình tài chính và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc quy định trường hợp các dự án thương mại, dịch vụ (đặc biệt là đối với đất thuộc loại hình kinh doanh bất động sản phục vụ du lịch như căn hộ du lịch, biệt thực nghỉ dưỡng, căn hộ dịch vụ…) thuộc trường hợp thuê đất trả tiền một lần.

Có các chính sách mang động lực kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang trả tiền thuê đất hàng năm.

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã có sự điều chỉnh khá lớn đối với các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm và các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.

Theo đó chỉ có một số trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, như sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Như vậy, những dự án thương mại, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, dự án kinh doanh khác sẽ phải chuyển sang hình thức trả tiền hàng năm. Sự thay đổi lớn này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.

Giải trình, VCCI cho rằng, doanh nghiệp trước khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh phải xây dựng phương án tài chính và yếu tố chi phí tiền thuê đất là một trong những yếu tố tài chính quan trọng phương án tài chính này. Việc phải trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất có thể thay đổi khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro số tiền thuê đất tăng đột biến, phá vỡ các phương án tài chính của doanh nghiệp.

Mặc dù, khoản 4 Điều 154 Dự thảo quy định, tính tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm ổn định trong 5 năm để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, tuy nhiên không có giới hạn nào cho mức tăng sau mỗi kỳ ổn định 05 năm.

Trong khi chu kỳ đầu tư, kinh doanh thường luôn dài hơn 5 năm, vì vậy, nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với những rủi ro về tài chính do nguy cơ tăng cao của các đợt tăng tiền thuê đất.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục