Ở thị trường trái phiếu sơ cấp, VCBS nhận thấy lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm mạnh nhưng dư địa giảm không còn nhiều.
Tháng 5/2023, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động 23.269 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, KBNN huy động 4.996 tỷ đồng; 7.472 tỷ đồng; 10.100 tỷ đồng; 309 tỷ đồng và 392 tỷ đồng trái phiếu tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Lợi suất trúng thầu cũng giảm mạnh trong tháng. Cụ thể, lợi suất trái phiếu trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đạt 2,4% (giảm 35 điểm cơ bản so với tháng trước), 2,95% (giảm 27 điểm cơ bản), 3,05% (giảm 28 điểm phần trăm), 3,19% và 3,4% (giảm 26 điểm cơ bản).
|
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển không huy động trong tháng.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, KBNN đã huy động được 162.952 tỷ đồng, đạt 48,4% kế hoạch phát hành quý II và 40,74% kế hoạch cả năm; tăng 188,4% so với cùng kỳ năm 2022.
|
VCBS đánh giá, trong 5 tháng đầu năm, trước các điều kiện thuận lợi, KBNN đã hoàn thành khá tốt mục tiêu huy động tại các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm.
Nhóm chuyên gia VCBS cũng cho rằng, khả năng huy động trái phiếu ở mức lãi suất hợp lý sẽ hẹp dần trong các tháng tiếp theo khi lợi suất không còn dư địa giảm nhiều. Trong khi đó, áp lực từ lượng vốn tồn đọng sẽ khiến KBNN không quá vội vàng trong các mục tiêu phát hành.
Ở thị trường thứ cấp, thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện nhờ lãi suất giảm trong tháng 5.
Có 132.568 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Khối lượng giao dịch outright và repo lần lượt đạt 75.157 tỷ đồng (giảm 5,4% so với tháng trước) và 57.410 tỷ đồng (tăng 12,2% so với tháng trước). Thanh khoản giao dịch trung bình phiên đạt khoảng 6.628 tỷ đồng (tăng 1,46% so với tháng trước). Thanh khoản thị trường tăng nhẹ trong tháng khi lợi suất giảm trong tháng.
|
Đường lãi suất dịch chuyển xuống dưới khi lợi suất giảm tại tất cả các kỳ hạn với mức giảm 15 - 20 điểm cơ bản.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt kết thúc tháng 5 ở 2,477% (giảm 10,6 điểm cơ bản so với tháng trước); 2,482% (giảm 14,1 điểm cơ bản); 2,491% (giảm 15 điểm cơ bản); 2,462% (giảm 16,2 điểm cơ bản); 2,433% (giảm 17,3 điểm cơ bản); 2,765% (giảm 10,5 điểm cơ bản); 3,139% (giảm 7,3 điểm cơ bản) 3,296% (giảm 3,3 điểm cơ bản); 3,52% (giảm 18 điểm cơ bản) và 3,614% (giảm 18,4 điểm cơ bản).
VCBS đánh giá, giai đoạn này kênh đầu tư trái phiếu chính phủ là đang được cho là kênh đầu tư ưu tiên trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân thấp. Nguyên nhân lãi suất cho vay ở mức cao và hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng chung.
Với bối cảnh hiện tại, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong đó có thể kể đến các biện pháp thuộc về chính sách tiền tệ như hạ lãi suất điều hành nhằm hướng đến kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy vậy, cũng cần lưu ý thêm các biện pháp hỗ trợ luôn luôn có độ trễ ít nhất từ 3 - 6 tháng.
Theo đó, trong ngắn hạn, kênh đầu tư trái phiếu chính phủ vẫn là lựa chọn hợp lý đối với nhà đầu tư tổ chức. Tuy vậy, dư địa giảm thêm của lợi suất là không còn nhiều trong khi rủi ro lợi suất bật tăng lại đang có xu hướng lớn hơn so với giai đoạn trước. Tổng hợp lại trong tháng 6, VCBS nghiêng về kịch bản lợi suất sẽ đi ngang trong biên độ nhỏ hoặc giảm nhẹ.
Ngoài ra, khối ngoại đã bán ròng 1.414 tỷ đồng trong tháng 5 trên thị trường thứ cấp sau khi mua ròng nhẹ trở lại trong tháng 3.
|
Về nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã bơm ròng 20.361,72 tỷ đồng. Trong tháng 5, lãi suất trên thị trường mở (OMO) đã giảm 0,5% về 4,5%. Tuy vậy, thanh khoản thị trường không thiếu hụt kéo theo số dư của hoạt động bán hẳn ở mức thấp.