Theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, vốn điều lệ của VCB là 15.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ thực của VCB sau khi IPO là khoảng 12.000 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ được thực hiện trong năm 2008 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
VCB sẽ tiến hành họp ĐHCĐ lần đầu vào cuối tháng 4 này và hoàn tất việc chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức NHTMCP trong năm 2008, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM và niêm yết trên TTCK quốc tế.
Vấn đề niêm yết cổ phiếu VCB chưa được xác định, ĐHCĐ sắp tới cũng chỉ quyết định chủ trương niêm yết, còn niêm yết được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố và nếu khó đâu chúng tôi sẽ gỡ đấy. Quan trọng nhất là về chủ trương, Chính phủ đã cho phép.
Về giá khởi điểm khi chào sàn, trong điều kiện TTCK trầm lắng hiện nay, chúng tôi chưa bàn đến vấn đề này nhưng chúng tôi cũng sẽ cân nhắc kỹ, bởi VCB là một phần của thị trường thì không thể tách khỏi thị trường, phải do thị trường định đoạt. Nói chung, tính thời điểm cũng rất quan trọng, bởi khi VCB tiến hành IPO cũng có không ít ý kiến rằng, sao để giá khởi điểm cao thế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá đó là thấp. Tính gì thì tính, vẫn phải theo nguyên lý thị trường. Còn chuyện niêm yết ở nước ngoài là câu chuyện của năm 2009, thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của VCB là chọn đối tác chiến lược trong và ngoài nước cũng như niêm yết trong nước.
Trong quý I/2008, lợi nhuận sau thuế của VCB đạt 900 tỷ đồng, các mảng hoạt động chính như huy động vốn, hoạt động tín dụng, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, hoạt động thẻ, kinh doanh ngoại tệ đều khả quan. Dự kiến, năm 2008, lợi nhuận hợp nhất của hệ thống sẽ đạt 3.383 tỷ đồng; tổng tài sản của Ngân hàng đạt 211.084 tỷ đồng, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng, ROE đạt 15,7%, tỷ lệ chi trả cổ tức 12,08%.