VBLC nói “không” với dự thảo góp vốn vào doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Ngày 17/3, Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC - trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính công văn góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của NĐT nước ngoài (dự thảo Thông tư).
VBLC nói “không” với dự thảo góp vốn vào doanh nghiệp Việt

Công văn bao gồm 19 điểm góp ý, điều chỉnh, bổ sung cũng như đề nghị loại bỏ một số điều trong dự thảo Thông tư, do luật sư Trần Tuấn Phong - Chủ nhiệm VBLC ký, dựa trên ý kiến của các luật sư thành viên đang hành nghề trong lĩnh vực tài chính, DN, đầu tư.

Theo VBLC, dựa trên mục tiêu của việc ban hành Thông tư là nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016, thì mục tiêu này chưa đạt được trong dự thảo Thông tư.

Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã có những thay đổi đáng kể về phạm vi và nội dung điều chỉnh. Sự khác biệt trong đối xử (bao gồm cung cấp ưu đãi, chế độ báo cáo…) giữa dòng vốn đầu trực tiếp nước ngoài với các dòng vốn đầu tư thông qua các hình thức góp vốn, mua cổ phần tại các DN Việt Nam đã bị xoá bỏ tại các luật mới. Việc xoá bỏ này đã tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Do đó, nếu tiếp tục giữ lại các mục tiêu quản lý nhà nước như đang được quy định tại Thông tư 131/2010/TT-BTC hướng dẫn Quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài trong các DN Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, hay tại dự thảo Thông tư, thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh thông thoáng và giảm đi năng lực cạnh tranh quốc gia”, nhóm luật sư lo ngại.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại DN Việt Nam của NĐT nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối, do Bộ Tài chính soạn thảo, nếu được ban hành, phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại DN Việt Nam của NĐT nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên ngoài nắm quyền chi phối, theo các hình thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư.

Trường hợp góp vốn, mua cổ phần của các công ty niêm yết, công ty đại chúng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực có quy định của pháp luật chuyên ngành, hoặc có cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác với quy định tại thông tư này, thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc các điều ước quốc tế đó. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần trong DNNN cổ phần hoá hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác, thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về cổ phần hóa và chuyển đổi DNNN.

Hơn thế, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có các quy định về việc mua bán cổ phần, phần vốn góp… Việc tạo thêm một quy định riêng cấp bộ để áp dụng cho các DN Việt Nam sẽ làm cho việc áp dụng các quy định pháp luật trở nên khó khăn, cả từ phía DN lẫn phía các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể, sự hiện hữu của Thông tư 131/2010/TT-BTC có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh đã được thừa nhận tại dự thảo Tờ trình của Cục Tài chính doanh nghiệp. Do đó, việc ban hành Thông tư thay thế cần phải có những đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của quy định hiện tại và sự cần thiết lẫn mức độ ảnh hưởng của quy định mới.

“Chúng tôi chưa nhận thấy những kiến giải hợp lý trong dự thảo Tờ trình cũng như tại các quy định của dự thảo Thông tư. Hơn nữa, dự thảo này đã quy định thêm nhiều trách nhiệm đối với NĐT nước ngoài lẫn DN Việt Nam trong việc tiếp nhận đầu tư, trong khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không yêu cầu”, nhóm luật sư nói.  

Dự thảo Thông tư có thể tạo ra nhiều rào cản cho hoạt động đầu tư

Luật sư  Võ Hà Duyên

Điều 2, dự thảo Thông tư mâu thuẫn với Luật Đầu tư và có thể tạo ra nhiều rào cản cho hoạt động đầu tư của DN. Cụ thể, theo Điều 2, nếu tổ chức A có một cổ đông là X nắm giữ dù chỉ 5% và X là tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nắm giữ 51%, thì A được xem là tổ chức do bên nước ngoài nắm quyền chi phối. Điều này mâu thuẫn với Điều 23, Luật Đầu tư và không đúng với nguyên tắc “chi phối”, vì X chỉ sở hữu 5% A.

Theo pháp luật về ngoại hối, tổ chức nước ngoài có thể thực hiện giao dịch bằng ngoại tệ, còn tổ chức kinh tế thành lập ở Việt Nam phải giao dịch bằng tiền đồng Việt Nam. Pháp luật về đầu tư nước ngoài từ trước tới nay đều khuyến khích NĐT nước ngoài góp vốn bằng ngoại tệ. Do đó, dự thảo Thông tư nên làm rõ nguyên tắc trên để NĐT nước ngoài được nhận và trả tiền mua cổ phần bằng ngoại tệ, thông qua tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ của họ.

Chúng tôi cũng đề nghị loại bỏ một số điều tại dự thảo Thông tư, chẳng hạn Điều 6. Điều 6 quy định, việc tăng vốn điều lệ là để thu hút bên nước ngoài trở thành NĐT chiến lược thì sẽ hạn chế DN bán cổ phần cho bên nước ngoài không phải là NĐT chiến lược, mâu thuẫn với nội dung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Các hạn chế về giá mua bán cổ phần, quy định về đấu giá cổ phần, về công bố thông tin cũng nên bỏ ra khỏi dự thảo Thông tư vì không phù hợp thông lệ kinh doanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam đối với công ty không đại chúng. Các hạn chế chưa có tiền lệ này có thể gây trở ngại rất lớn đến hoạt động và quyền tự chủ của DN cũng như các nguyên tắc bảo mật kinh doanh.

Cần quy định rõ ràng và thống nhất với các quy định hiện hành

 Luật sư Nguyễn Hưng Quang

Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính xem xét thấu đáo lại việc ban hành Dự thảo Thông tư. Cần quy định rõ đối với trường hợp có sự xung đột giữa pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Quy phạm tại Khoản 3, dự thảo Thông tư hiện nay mang tính tuỳ nghi, nên sẽ khó áp dụng và mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đều quy định, trường hợp có xung đột, thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Hơn thế, việc quy định chi nhánh của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mua cổ phần (thực hiện việc đầu tư) cần phải được cân nhắc thấu đáo, vì theo Bộ luật Dân sự 2005 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của DN, không có tư cách pháp nhân, không có vốn độc lập.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp quy định, tổ chức không có tư cách pháp nhân không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam và cho phép tổ chức góp vốn/mua cổ phần trong công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh. Do vậy, dự thảo Thông tư cần quy định rõ ràng và thống nhất với các quy định hiện hành.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục