Vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Giải pháp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập khi thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, chiều 29/10.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.

Năm 2021 là năm vô cùng vất vả, chưa năm nào khó khăn như thế. Dịch giã hoành hành khốc liệt trên diện rộng, với thời gian dài. Từ cuối tháng 4 đến nay, chúng ta sống trong dịch, vừa đối phó dịch, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận.

Nhưng thông tin tiếp theo thì khá lạc quan. Đó là kết quả dự kiến thu ngân sách, dù đã giảm, giãn, miễn, hoãn… nhiều sắc thuế, nhưng đến cuối năm sẽ tăng khoảng 1,7%; chi ngân sách không vượt dự toán, do đó có nguồn lực để phát triển kinh tế và chống dịch.

Chi ngân sách được thực hiện rất tốt, giảm 10% chi thường xuyên, giảm 50% chi tiếp khách, chi công tác phí, chi hội nghị, đi công tác nước ngoài; giảm 15% đối với các đơn vị có tính đặc thù, Bộ trưởng thông tin.

Phát hành trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại nợ, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng rất hiệu quả. Trước đây, vay nước ngoài nhiều, đến bây giờ vay rất ít, mỗi năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước 1 năm khoảng 350.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 2,26%/năm, thời gian bình quân là 12 năm.

"Chúng tôi tích cực thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm một cách tốt nhất. Thị trường chứng khoán hiện rất tốt, mấy ngày vừa qua là INDEX 1500, khối lượng giao dịch 27.000 tỷ đồng, điều đó thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, vốn hóa trên thị trường chứng khoán rất tốt. Đây là những tin hiệu tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyển sang kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, kế hoạch nói rõ vừa bảo đảm tài chính nhà nước nhưng cũng bảo đảm tài chính doanh nghiệp phát triển, tài chính dân cư phát triển. Vậy phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu nền kinh tế tăng lên, từ đó bước sang giai đoạn mới để phục hồi tăng trưởng.

Chia sẻ với đại biểu là giải pháp đã được bàn kỹ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã đề nghị Chính phủ thiết kế từng gói và quản lý từng gói kích thích kinh tế để bảo đảm có hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển thì sẽ tăng thu ngân sách, đồng thời cùng với giảm chi ngân sách thì sẽ kéo giảm được bội chi xuống.

"Sắp tớ, chúng ta tập trung chuyển đổi số là đúng rồi, nhưng đó là một kế hoạch dài hạn. Còn kế hoạch ngắn hạn ngay bây giờ doanh nghiệp cần là cần thị trường, cần nguồn nhân lực và cần vốn, cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, thể chế", Bộ trưởng phát biểu.

Ông cũng nói thêm là đã tham mưu cho Thủ tướng tháo gỡ những vướng mắc trong thể chế, nên Chính phủ trình Quốc hội 1 luật sửa 10 luật là để tháo gỡ vướng mắc. Bởi "nếu không tháo gỡ thì không chạy được, không phát triển được".

Về chính sách tài khoá, Bộ trưởng cho biết đang tham mưu Thủ tướng để có một số gói kích thích, như gói hỗ trợ lãi suất, vừa rồi Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tài chính xây dựng gói hỗ trợ lãi suất. Gói này lấy từ nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, hỗ trợ lãi suất 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển. Ví dụ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ (vận tải, ăn uống), các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng yếu, trọng điểm quốc gia… Khi đó sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, nguồn vốn bỏ vào đây sẽ tạo cầu đầu tư rất tốt, đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại thông tin đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ở hành lang Quốc hội, đó là đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước.

"Chúng tôi đang thiết kế gói này để huy động tiền trong dân, ví dụ đô la nhàn rỗi trong dân cư. Lãi suất gửi đô la ở ngân hàng thương mại hiện là 0%. Gói này vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Có thể cần thiết thì phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để tập trung vào giải quyết những vấn đề trước mắt và thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó là quay vòng vốn để bảo đảm cho kinh tế phát triển", Bộ trưởng chia sẻ.

Những dự kiến đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2022- 2023 có thể tăng bội chi, nhưng đến 2024 khi kinh tế phát triển rồi, ngân sách tăng lên rồi thì giảm bội chi và bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra (3,7% GDP- PV).

Về câu hỏi còn khó khăn thì có tiếp tục giảm thuế nữa không?... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói vấn đề này sẽ tiếp tục cân nhắc nhưng vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị quyết về vấn đề giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước, đến hết tháng 5/2022, tạo điều kiện để ngành ô tô tháo gỡ khó khăn và phát triển.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục