Vay mượn cổ phiếu, cần một điểm nối

(ĐTCK-online) Mặc dù Luật Chứng khoán đã có quy định mở, cho phép các CTCK được triển khai nghiệp vụ bán khống, nhưng do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn cấm các CTCK thực hiện.
Vay mượn cổ phiếu, cần một điểm nối

Trong hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là cổ đông nội bộ, cán bộ - nhân viên của doanh nghiệp. Cổ phiếu của những đối tượng này hầu như luôn nằm im trong tài khoản. Trong khi đó, từ lâu đã có không ít người có nhu cầu vay cổ phiếu để bán như một hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính, cũng như một hình thức giảm thiểu rủi ro trong đầu tư mà không được. Nguyên nhân chủ yếu là do không có một tổ chức đứng ra làm trung gian cho việc vay mượn này để kết nối cung cầu, để đảm bảo người vay hoàn trả đúng hạn.

Thực tế, chỉ một số ít nhà đầu tư quen biết nhau là cho nhau vay mượn cổ phiếu. Cụ thể, bên có cổ phiếu muốn đầu tư dài hạn hoặc kỳ vọng giá sẽ lên nên đồng ý cho vay số cổ phiếu đó để hưởng phí. Còn bên vay, một là nhận định giá sẽ giảm nên muốn vay cổ phiếu để bán, hy vọng sau đó mua được với giá thấp để trả lại, hưởng phần chênh lệch giá. Như vậy, bên vay tạm thời không có đủ nguồn tài chính cần thiết để trực tiếp mua cổ phiếu cũng có thể kinh doanh nhiều cổ phiếu, tạo cơ hội kiếm lợi nhuận cao. Hai là, bên vay vừa mua vào cổ phiếu, nhưng bất ngờ giá cổ phiếu sụt giảm (do thông tin xấu xuất hiện, do nhận định sai thị trường…), nên cần vay cổ phiếu để bán ra nhằm giảm thiểu thua lỗ trong thời gian cổ phiếu mua vào trước đó về đến tài khoản.

Số tiền bán cổ phiếu được giữ nguyên trong tài khoản của bên cho vay, sau đó dùng để mua cổ phiếu trả nợ. Khoản tiền dư sẽ được bên cho vay trả cho bên vay sau khi trừ chi phí (phí giao dịch, phí cho vay). Ngược lại, nếu giá cổ phiếu lên khiến số tiền đó không đủ để mua lại cổ phiếu thì bên vay có nghĩa vụ phải bù đắp.

Xét về bản chất thì đây là nghiệp vụ bán khống. Mặc dù Luật Chứng khoán đã có quy định mở, cho phép các CTCK được triển khai nghiệp vụ bán khống, nhưng do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn cấm các CTCK thực hiện. Chính vì vậy, nhu cầu vay mượn cổ phiếu của nhà đầu tư không được CTCK hỗ trợ, khiến cung cầu rất khó gặp nhau.

Tôi cho rằng, đây là nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về vay mượn tài sản. Do đó, trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫn về nghiệp vụ bán khống thì cần thiết phải có một đầu mối đứng ra làm trung gian cho hoạt động vay mượn cổ phiếu. Đầu mối này sẽ tập trung nhu cầu, kết nối cung cầu, tương tự như đơn vị thiết lập trang web quyenmua.com, chuyên đăng tải nhu cầu mua bán quyền mua cổ phiếu của nhà đầu tư trong các đợt phát hành thêm của doanh nghiệp. Nếu có thể, đầu mối đó đứng ra đảm bảo cho các giao dịch được thực hiện một cách nghiêm túc, chẳng hạn quy định bên vay phải ký quỹ một khoản tiền.

Hy vọng, quy định về bán khống cũng như đầu mối kết nối nhu cầu vay mượn cổ phiếu nêu trên sớm ra đời để các cổ phiếu "nhàn rỗi" tạo thêm thu nhập cho người sở hữu bằng cách cho vay để hưởng phí. Còn nhà đầu tư có công cụ để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư ít vốn có thể vay cổ phiếu để kinh doanh và kiếm lời ngay cả trong trường hợp thị trường đi xuống. TTCK khi đó cũng sẽ sôi động hơn, một số "cổ phiếu hiếm" (số lượng được phép lưu hành ít) thanh khoản hơn, diễn biến giá cả hợp lý hơn khi có thêm cổ phiếu được đưa vào giao dịch, tạo sự cân bằng về cung cầu.          

Hương Giang
Hương Giang