Vasep dự báo xuất khẩu tôm tháng 7 sẽ chững lại

(ĐTCK) Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng sang đến tháng 7, tình hình có thể chững lại.

Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt gần 595 triệu USD, tăng mạnh 81% so với cùng kỳ. Sự phục hồi tiêu dùng, nhu cầu cao dịp hè và nhu cầu lớn đối với tôm hùm từ Việt Nam tiếp tục giúp Trung Quốc trở thành thị trường bứt phá nhất.

Nhóm thị trường thuộc khối CPTPP cũng ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng 38%, trong đó Nhật Bản (tăng 19%), Australia (5%) và Canada (6%) đều có mức tăng trưởng khả quan. Nhật Bản tiếp tục là thị trường đơn lẻ lớn thứ ba của tôm Việt Nam, nhờ nhu cầu ổn định và tôm giá trị gia tăng là thế mạnh.

Thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng 16%, trong đó các nước như Đức, Bỉ và Pháp đều tăng trưởng hai con số. Xuất khẩu sang EU tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), trong khi các đối thủ như Indonesia, Thái Lan không có được lợi thế này.

Tại khu vực Đông Á, Hàn Quốc là điểm sáng với mức tăng 14% nhờ nhu cầu ổn định và truyền thống ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến kỹ. Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng tới 27%, cho thấy sự lan tỏa tốt của tôm Việt Nam tại khu vực này.

Ngược lại, thị trường Mỹ từng là đầu tàu xuất khẩu của tôm Việt Nam lại có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Dù tổng kim ngạch trong 6 tháng đầu năm đạt 341 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến theo tháng cho thấy xu hướng không mấy khả quan: tháng 5 tăng vọt 66% do doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước khi bị áp thuế, thì sang tháng 6 lại giảm mạnh 37%.

Sang đến tháng 7, Vasep dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ chững lại so với tháng 5 và tháng 6 do các đơn hàng “tránh thuế” đã được đẩy đi sớm. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đến ngày 1/8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất thêm hàng trong nửa đầu tháng 7, nhưng tâm lý dè dặt vẫn bao trùm thị trường.

Bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường ngành tôm Vasep nhận định, trong nửa cuối năm 2025, triển vọng xuất khẩu phụ thuộc lớn vào ba vấn đề.

Thứ nhất là diễn biến chính thức của chính sách thuế quan từ Mỹ, bao gồm thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) và mức thuế đối ứng.

Thứ hai là khả năng tái cơ cấu nhanh của doanh nghiệp để chuyển dịch sang các thị trường ít rủi ro hơn như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thứ ba là tình hình dịch bệnh và chi phí đầu vào trong nước - các yếu tố đang gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất.

“Nếu các mức thuế chính thức từ Mỹ không vượt kỳ vọng, Việt Nam có thể duy trì được nhịp xuất khẩu sang Mỹ ở mức ổn định thấp. Nhưng trong trường hợp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp ở mức cao, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, kéo tụt tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành”, bà Thu lưu ý.

Trước những biến động từ thị trường và chính sách quốc tế, Vasep khuyến nghị doanh nghiệp tôm cần chủ động tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu. Việc đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ và tận dụng ưu đãi từ các hiệp định như EVFTA, CPTPP là hướng đi cần thiết.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng thực phẩm tiện lợi và “ready-to-eat” (thực phẩm ăn liền). Một yếu tố then chốt là đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch, tránh rủi ro bị cáo buộc gian lận thương mại hay chuyển tải bất hợp pháp.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số toàn chuỗi từ nuôi trồng, chế biến đến quản trị đơn hàng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng. Đặc biệt, việc chủ động vùng nuôi đạt chuẩn và kiểm soát chi phí trong chuỗi cung ứng là giải pháp quan trọng để bảo vệ biên lợi nhuận.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ về tài chính và pháp lý để ứng phó linh hoạt với các chính sách thuế thay đổi bất ngờ từ các thị trường lớn.

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục