Khoảng lặng ở Toulouse
Sau gần hai giờ cất cánh từ sân bay Orly (phía Nam Paris, Pháp), Toulouse bắt đầu hiện ra dưới cánh bay của hãng Air France với một vẻ khoáng đạt hiếm có. Từ ô cửa sổ nhỏ hình bầu dục của tàu bay A320, thủ phủ của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ châu Âu như lọt thỏm giữa một bình nguyên xanh ngút tầm mắt.
Phải đến khi chiếc máy bay khẽ chao mình chuẩn bị hạ cánh, những chùm sáng lấp lóa hắt lên từ mái những hangar khổng lồ (nhà chứa máy bay) của nhà máy lắp ráp máy bay Airbus trong ráng chiều tà mới khiến tôi sực nhớ là mình đang đến thủ phủ của ngành công nghiệp hàng không châu Âu.
Đã bước sang tháng 12 nhưng ở Toulouse trời vẫn khá ấm. Trên kênh đào Canal du Midu chạy song song với tuyến đường nội đô, từng đám le le nhỏ chốc chốc lại vụt bay khi gió hất từng đám lá phong vàng xuộm xuống mặt nước.
Nếu như Amsterdam (Hà Lan) nổi tiếng với dòng Amster huyền thoại, hay “kinh đô ánh sáng Paris” với dòng sông Seine thơ mộng thì Toulouse lại tự hào với dòng sông Garone. Sông Garone như một dải lụa vắt qua thành phố, hài hòa với vẻ cổ kính của các công trình kiến trúc màu nâu đỏ. Toulouse không quá rộng, nhưng du khách vẫn có thể bị lạc trong mê cung những con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng sâu hun hút, mang đậm phong cách Roman, thi thoảng lại vẳng tiếng leng keng của những chiếc chuông gió treo trên mỗi hiên nhà.
Mặc dù là trái tim của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ châu Âu, trong đó có tới hơn 20% trong tổng số gần 1 triệu cư dân thành phố đang làm việc cho những tên tuổi lớn như Alcatel Alenia Space, EADS Astrum, Airbus…, nhưng nhịp sống ở Toulouse khá chậm. Không có nhiều nhà cao tầng, không có các metro - nơi những bước chân guồng nhanh đến chóng mặt để kịp các chuyến tàu làm việc. Nhịp sống ở Toulouse chỉ bùng lên vào chút đầu giờ sáng, rồi nhanh chóng trả lại vẻ bình yên cho những con phố nhỏ.
Không rõ cách đây 40 năm, khi quyết định đặt trụ sở và nhà máy lắp ráp chính tại Blagnac, ngoại ô Toulouse, Airbus có muốn những chú chim sắt của mình được chào đời từ một mái ấm bình yên như vậy trước khi tung cánh trên bầu trời hay không? Hay do nghề hàng không vũ trụ vốn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối lẫn độ sáng tạo cao, nên cần những khoảng lặng bình an như thế.
Tác giả (bên phải) cùng các kỹ sư của Airbus tại Toulouse (Pháp)
Vựa sản xuất máy bay Blagnac
Cách nội đô Toulouse chỉ khoảng 15 phút chạy xe, Blagnac là nơi Airbus đặt trụ sở chính. Đây có thể coi là “thánh đường” cho những tín đồ mê máy bay, hay chỉ đơn giản là yêu thích các series phim tài liệu “How it’s made?” nổi tiếng của kênh Discovery.
Nằm trên diện tích 750 ha, nhà máy của Airbus tại Blagnac thực sự là một thành phố công nghệ mà điểm nhấn chính là các hangar khổng lồ, lớn gấp đôi sân bóng đá tiêu chuẩn. Không rõ liệu hậu vệ Philippe Mexes - vận động viên nổi tiếng nhất mà Toulouse sản sinh, hiện đang chơi cho Câu lạc bộ AC Milan có đủ sức phát bóng vượt chiều dài hangar lớn nhất ở Blagnac nằm ngay sát trụ sở chính Airbus hay không, nhưng hangar này chứa đủ bộ sưu tập các máy bay hiện đại nhất mà Airbus đang sản xuất như A380, A350, A340, A330 và A320.
Rất khó để đi hết khuôn viên sản xuất rộng đến 750 ha của Airbus Industrie. Để xuất xưởng một chiếc Airbus, công đoạn đầu tiên là kết nối thân, cánh, động cơ; sau đó là lắp càng hạ cánh, buồng lái; các thiết bị điện, điện tử và hệ thống dẫn đường; cuối cùng là lắp đuôi, cánh lái..., nên nhà máy chính này rộng là điều đương nhiên.
Cần phải nói thêm rằng, A380 tuy được đánh giá là tinh hoa của Airbus, nhưng A320 mới là dòng máy bay mang lại doanh thu lớn nhất cho nhà chế tạo máy bay dân dụng châu Âu này. Kể từ khi xuất xưởng lần đầu vào năm 1988, dòng máy bay A320 đã đi tiên phong trong việc sử dụng các hệ thống kiểm soát bay điều khiển bằng điện kết hợp máy tính (fly-by-wire) kỹ thuật số. Với hơn 4.600 chiếc thuộc dòng A320 đã được chế tạo, đây là dòng máy bay phản lực bán chạy thứ hai từ trước đến nay, chỉ xếp sau đối thủ cạnh tranh hàng đầu của dòng máy bay này là Boeing 737.
Được biết, bên cạnh hangar lớn nhất, mỗi xưởng tại Blagnac đều có thể lắp ráp 2 máy bay cùng lúc, sau đó mang máy bay ra khu thử nghiệm nạp nhiên liệu, điều chỉnh các thông số rồi cất cánh bay về nhà máy ở Frankfurt (Đức) để lắp ghế ngồi. Sau đó máy bay quay lại Toulouse để sơn, bay thử lần cuối cùng trước khi chuyển giao cho khách hàng.
Khi chúng tôi đến thăm nhà máy, tàu bay đầu tiên trong hợp đồng kỷ lục 100 chiếc A320 mà Airbus đóng cho VietJet Air đã hoàn thiện. Toàn bộ quy trình chế tạo chiếc máy bay được “cô” lại trong 5 phút trong một CD, như là món quà đầy ý nghĩa tặng cho thành viên của đoàn nhận tàu bay. Toàn bộ khâu lắp ráp, hoàn thiện và thử nghiệm của các máy bay A320 sản xuất cho VietJet Air được thực hiện tại TP. Toulouse (Pháp). Như thường lệ, chúng sẽ được sơn theo màu sắc và logo của hãng hàng không đặt mua ngay từ khi xuất xưởng.
Được biết, chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng mua và thuê 100 máy bay của VietJet Air với Airbus được thực hiện trong thời gian nhanh kỷ lục. Chiếc máy bay đầu tiên sẽ được giao chỉ trong vòng 9 tháng kể từ khi ký hợp đồng (thông thường, thời gian từ lúc đặt hàng sản xuất đến khi giao hàng phải từ 3-4 năm).
Vietjet chờ những cánh bay Airbus
Lãnh đạo Airbus đã dành một sự đón tiếp trọng thị cho đoàn công tác của Hãng hàng không VietJet Air trong lễ đón nhận tàu bay A320 đầu tiên được tổ chức hoành tráng ngay tại sân bay Blagnac Toulouse.
“Chúng tôi rất vui mừng khi bàn giao chiếc máy bay đầu tiên trong gói hợp đồng 100 chiếc máy bay cho VietJet Air. Để đi đến kết quả ngày hôm nay, chúng tôi đã cùng trải qua quá trình hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, trong quá trình này, VietJet Air đã phối hợp một cách chuyên nghiệp và bài bản về các mặt tài chính cũng như kỹ thuật. Đây thực sự là hãng hàng không của tương lai”, ông John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus chia sẻ.
Cần phải nói thêm rằng, không dễ để nhận được những lời khen thực lòng như vậy từ một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất thế giới. Ít người biết rằng, trước khi bản hợp đồng trị giá 6,4 tỷ USD được ký vào đầu năm 2013 tại Triển lãm Hàng không châu Á - Singapore Airshow, Airbus đã âm thầm tìm hiểu rất kỹ đối tác mới tại Việt Nam.
Ngoài thẩm định phương án kinh doanh, các hoạt động chuyên môn như hệ thống tài chính, quản trị rủi ro, an toàn an ninh…, Airbus thậm chí còn cử chuyên gia bí mật vào vai những hành khách bình dân của VietJet Air để có thể “trông giỏ và bỏ thóc”. Có lẽ ngoài phương án kinh doanh thuyết phục, ấn tượng về sự tận tâm của VietJet Air với hành khách là một trong những lý do quan trọng để Airbus quyết tâm hợp tác với đối tác mới ở Việt Nam.
Có một chi tiết rất thú vị là khi chiếc A320 của VietJet Air cất cánh rời Toulouse cũng là lúc chiếc A350 hiện đại mà Airbus dự kiến chuyển giao cho Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bước vào giai đoạn hoàn thiện, giúp Airbus chiếm thị phần tuyệt đối tại Việt Nam - thị trường mà nhà sản xuất máy bay thương mại được châu Âu đánh giá là sẽ có sự bùng nổ trong tương lai gần.
Vĩ thanh
Chúng tôi trở về Việt Nam trên tàu bay A320 thứ 19 mang logo Vietcombank vẫn còn tươi mới của VietJet Air, trong hành trình dài gần 12 tiếng, với hai lần dừng tiếp nhiên liệu tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Thái Lan. Cảm giác mệt mỏi tan đi rất nhanh khi máy bay tiếp đất tại Tân Sơn Nhất trước sự hân hoan chào đón của lãnh đạo VietJet Air và nhân viên của Airbus, và trong tiếng nhạc của bài hát Xin chào Việt Nam thân thuộc.
Xin chào A320 của VietJet Air và những cánh bay an lành của Airbus tại Việt Nam trong mùa Xuân mới này.