Theo các nhà băng, những năm trước, vào dịp cuối năm, sức ép thanh khoản của các nhà băng rất lớn, bởi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thường tăng vọt, để phục vụ việc chi lương, thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Thế nhưng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay có phần thay đổi so với quy luật.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, lượng tiền rút ra của các khách hàng doanh nghiệp năm nay không đáng kể, nhu cầu vốn cuối năm không cao, nên thanh khoản của Ngân hàng vẫn dồi dào.
Hiên tượng này được TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn nhận là do kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm qua không như kế hoạch đề ra. Đó là chưa kể đến việc nhiều đơn vị phải đối diện với nguy cơ đóng cửa, do vậy, việc chi lương, thưởng Tết cũng sẽ eo hẹp. Một số doanh nghiệp thậm chí không còn khả năng chi, trả lương tháng 13 cho cán bộ công nhân viên. Doanh nghiệp vốn dĩ khó khăn, tiền trong tài khoản sẽ không còn để rút và việc vay nợ ngân hàng để chi trả lương, thưởng cũng khó, vì không còn tài sản thế chấp.
Nguồn tiền nhàn rỗi của nhiều doanh nghiệp nằm trong tài khoản ngân hàng hiện cũng không còn dồi dào như những năm trước, một phần do các doanh nghiệp khó khăn hơn, một phần do được doanh nghiệp tận dụng tối đa để tiết giảm chi phí lãi vay. Ngược lại, tiền gửi từ khu vực dân cư lại tăng mạnh.
Đơn cử tại khu vực TP. HCM, số liệu đưa ra từ NHNN TP. HCM cho thấy, năm 2013, tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư tăng gần 20% và chiếm 55% trong tổng vốn huy động.
Tại Nam A Bank, Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng vẫn ổn định từ khi trần lãi suất giảm về 7%/năm. Trong đó, lượng tiền gửi của doanh nghiệp có phần giảm sút so với trước đây, còn nguồn tiết kiệm từ dân cư vẫn xu hướng tăng khi các kênh đầu tư khác chưa hồi phục.
Thực tế, lãi suất tiết kiệm tiền gửi của ngân hàng bắt đầu có sự điều chỉnh và phân hóa rõ rệt. Lãi suất kỳ hạn dài ngày cũng có chiều hướng giảm dần. Đơn cử, tại HDBank, tháng trước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 9,4%/năm và cao nhất là 9,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, nhưng hiện chỉ còn 9%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất kỳ hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống ở một số nhà băng lớn cũng giảm dần, thay vì duy trì kịch trần 7%/năm như trước đây. Chẳng hạn tại Vietcombank, lãi suất tiết kiệm từ 1 - 3 tháng chỉ còn 6,8%/năm và 9 tháng là 7,5%/năm. Điều đó chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào.
Theo đánh giá của một lãnh đạo ngành ngân hàng, sở dĩ năm nay, tình hình thanh khoản của ngân hàng khá ổn định và dồi dào vào dịp cuối năm là do hệ thống ngân hàng đã phần nào được tái cơ cấu, các ngân hàng yếu kém đã được xử lý. Mặt khác, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chưa ra khỏi kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, khi các kênh đầu tư như bất động sản vẫn trong xu thế lình xình, vàng trong xu thế giảm giá, ngoại tệ ổn định và kênh đầu tư chứng khoán không dành cho mọi nhà đầu tư.