Khả năng tăng giá
Một trong những yếu tố khiến vàng giảm giá trước đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thảo luận về khả năng cắt giảm chương trình bơm tiền hằng tháng thông qua mua trái phiếu. Các quan chức Fed vẫn tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế, bất chấp sự gia tăng đáng lo ngại về số ca mắc biến thể Delta, nên tiếp tục lên kế hoạch cho việc giảm dần thu mua trái phiếu kho bạc, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp hàng tháng của Ngân hàng Trung ương.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ giá vàng đó là thông tin trần nợ công của Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, trần nợ công của Mỹ đang tăng, nếu không tạm hoãn trần nợ công thì nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ ở những tháng cuối năm. Thông tin này khiến giới đầu tư trở nên đề phòng rủi ro và đi tìm kênh trú ẩn an toàn và vàng là một trong những kênh đó.
Nhu Cầu Vàng Vật Chất Ở Trung Quốc, Đặc Biệt Là Ấn Độ Đang Tăng Trở Lại, Nhu Cầu Vàng Trang Sức, Đồng Tiền Vàng Tăng Mạnh.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là nhu cầu vàng vật chất không ít quốc gia đang tăng trở lại, trong đó phải kể đến các nước đông dân ở châu Á như Trung Quốc. Đặc biệt, tại Ấn Độ, nhu cầu vàng trang sức, đồng tiền vàng bất ngờ tăng mạnh, giúp thị trường vàng phục hồi, mặc cho tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng thời gian tới khó có thể giảm sâu. Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam nhận định, có thể trước mắt đầu tư vào vàng vẫn rủi ro, song giá có cơ hội tăng trong những tháng cuối năm.
“Các dự báo đưa ra khả năng mặt hàng kim quý là vàng sẽ tăng trở lại trong quý IV năm nay, vì tình hình dịch Covid-19 chưa suy giảm và các gói hỗ trợ kinh tế có thể khiến lạm phát tăng cao”, ông Khánh nói.
Thực tế, yếu tố hỗ trợ cho vàng tăng giá mạnh thời gian gần đây trên thị trường quốc tế là lạm phát. Fed đang cố giữ lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Nợ của Chính phủ Mỹ ngày càng cao sẽ khiến áp lực lạm phát tăng và phá hủy sức mua của USD. Cùng với đó, nhu cầu tích cóp và đầu tư vàng tăng khiến giá quý kim này có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021.
Chuyên gia phân tích tài chính - ông Phan Dũng Khánh khuyến nghị, việc chọn vàng làm kênh đầu tư trước những lo ngại lạm phát gia tăng là điều nên làm. Khi lạm phát tăng, chính sách tiền tệ sẽ thay đổi, dòng tiền nhiều khả năng rút dần sang các tài sản khác.
Vẫn nên cẩn trọng
Vàng và các kim loại quý khác thường được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Triển vọng thị trường vàng những tháng cuối năm 2021 được đánh giá khả quan. Có hai động lực chính hỗ trợ giá vàng, đó là nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường vàng chưa chắc chắn, bởi xét ở góc độ đầu tư thì nhu cầu hiện chưa cao. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ lưu ý, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại những động thái của Fed sẽ tác động ngược tới thị trường vàng. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng khi giá vàng đang xoay quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, tăng trưởng việc làm và lạm phát thời gian qua đã đủ điều kiện để có thể đưa ra quyết định thắt chặt tiền tệ. Fed dự kiến bắt đầu hạn chế lượng mua trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 9 tới và từ tháng 10, mức cắt giảm sẽ tăng lên. Đồng thời, Fed có thể tăng lãi suất USD vào cuối năm 2022.
Cơ Hội Đầu Tư Vàng Trên Thị Trường Thế Giới Ở Mức Cao, Còn Trong Nước Có Nhiều Rủi Ro, Người Mua Vàng Có Thể Thua Lỗ Ngay Cả Khi Giá Thế Giới Tăng.
Mặc dù Fed đưa ra thông tin như vậy, nhưng giá vàng không giảm sâu, bởi Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố doanh số bán lẻ yếu hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, doanh số bán lẻ trong tháng 7/2021 giảm 1,1% so với tháng 6 và giảm mạnh hơn so với dự báo (giảm 0,3%). Nguyên nhân là chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi dịch bệnh gia tăng do biến chủng Deltal. Kinh tế Mỹ cho tín hiệu kém khả quan khiến nhiều nhà đầu tư vàng trên thế giới chưa vội bán sau thông tin của Fed.
Không giống như tiền tệ, giá vàng ít bị kiểm soát bởi những biến động tiền tệ, lãi suất thấp và lạm phát gia tăng khi các nhà đầu tư đang tìm cách bảo toàn giá trị vốn của họ. Giá vàng đã có xu hướng tăng trong một thời gian dài từ giữa năm 2018, vượt qua đỉnh từng thiết lập hồi tháng 9/2011, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.087 USD/ounce vào tháng 8/2020.
Ở các thị trường tiêu dùng vàng lớn trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ, việc mua đồ trang sức bằng vàng đều mang tính mùa vụ cao. Mùa lễ hội và mùa cưới ở Ấn Độ và Trung Quốc tập trung vào nửa cuối năm, khiến nhu cầu tiêu dùng vàng tăng mạnh, đẩy giá đi lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động mua bán vàng và làm giảm thu nhập của người dân, khiến đà tăng của giá vàng chững lại so các năm trước đó.
“Chúng tôi tin rằng, việc Fed tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản đã được phản ánh hết vào giá vàng. Vấn đề còn lại là chương trình này sẽ được cắt giảm với tốc độ như thế nào”, nhà phân tích James Steel của HSBC viết trong một báo cáo. Không ít chuyên gia cho rằng, xu hướng giảm của vàng là cơ hội để mua vào.
Nhưng theo ông Huỳnh Trung Khánh, đó là cơ hội đầu tư vàng trên thị trường thế giới, còn trong nước thì chênh giá vẫn duy trì ở mức lớn. Hiện giá vàng thế giới quy đổi thấp hơn giá trong nước trên dưới 8 triệu đồng/lượng, chưa kể việc giãn biên độ mua - bán của các cửa hàng vàng có thời điểm lên đến 3 - 4 triệu đồng, khiến người mua chịu thiệt ngay cả khi giá vàng tăng. Vì vậy, người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ ở thị trường nội địa nên thận trọng, tránh lướt sóng vàng, do thị trường vàng trong nước và thế giới khó liên thông.