Mãi lực vàng thế giới vẫn tăng
Mãi lực vàng của thị trường Trung Quốc hiện nay rất lớn. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới về tiềm năng của thị trường vàng Trung Quốc, trong vòng 3 - 4 năm nữa, thị trường vàng nước này sẽ tăng khoảng 20% về mức tiêu thụ. Điều đó cho thấy, sức mua của thị trường này đang dần chiếm vị thế hàng đầu, vượt qua Ấn Độ.
Trung Quốc cho nhập thẳng vàng vào Bắc Kinh, thay vì nhập vào Thẩm Quyến, Thượng Hải như trước. Điều đó cho thấy, Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương mở rộng cho nhập vàng và ủng hộ dân chúng mua vàng cũng như tăng dự trữ quốc gia. Do đó, vàng cũng phần nào có lực đỡ từ mãi lực của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quốc gia này có thể mua vàng với bất kỳ giá nào. Ngược lại, họ cũng tìm cơ hội vàng xuống giá để mua vào.
Nhưng thực tế cho thấy, vàng rất khó giảm giá mạnh. Giá thành phẩm của mặt hàng này hiện khoảng 1.200 - 1.250 USD/ounce và nếu vàng xuống dưới mức này, các mỏ sản xuất vàng sẽ dừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng. Vì thế, giá vàng trong ngắn hạn được dự báo sẽ lình xình trong khoảng 1.250 - 1.300 USD/ounce.
Có nghĩa, vàng trong năm nay ổn định hơn so với các năm trước, giá vàng sẽ dao động trong biên độ hẹp. Dĩ nhiên, trong đầu tư vàng thì cũng có lúc lời lúc lỗ, nhưng trước tình hình hiện nay, vàng có vẻ không còn hấp dẫn và phù hợp đối với các nhà đầu cơ lướt sóng. Còn đối với những nhu cầu mua để tích trữ, tăng dự trữ vàng thì đây được xem là an toàn để mua khi vàng không còn biến động mạnh, có nhiều “sóng” như những năm trước.
Đối với Trung Quốc, mãi lực vàng không chỉ có người dân, mà ngay cả Ngân hàng Trung ương và ngân hàng thương mại của quốc gia này cũng đẩy mạnh mua vàng. Trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc thì vàng vẫn được ưu tiên. Vì thế, một khi giá vàng giảm sẽ là cơ hội để họ mua vàng. Do đó, các chuyên gia trên thị trường thế giới đưa ra nhận định, giá vàng khó có thể xuống mức 1.000 USD/ounce.
Hiện các thông tin hỗ trợ cho vàng không còn nhiều khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tình hình chính trị ổn định… sẽ là lực đẩy cho chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, với mặt hàng kim loại quý là vàng và dầu thô chỉ giảm giá ở trong một mức độ, khó có thể tụt dốc mạnh, cho dù các thông tin hỗ trợ cho lực tăng của giá vàng không còn nhiều như trước. Thông tin về tình hình kinh tế hiện cũng đã đi trước hành động, do đó các thông tin về việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói nới lỏng định lượng không còn là vấn đề nóng. Thực tế cho thấy, vàng đã giảm giá khi FED có hành động cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng, khoảng 10 - 20 USD/ounce, nhưng sau đó đã tăng trở lại. Chính vì vậy, có thể thấy rằng, đà giảm của vàng khó có thể duy trì được lâu.
Trong ngắn hạn, vàng không còn nhiều lực đỡ, nhưng về dài hạn, mặt hàng kim loại quý này có thể duy trì ở mức giá hiện nay và dao động trong biên độ 1.150 - 1.300 USD/ounce, tùy theo tình hình chính trị - kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khó có thể thu hẹp, bởi thị trường vàng trong nước vẫn có tình trạng độc quyền. Do đó, người mua vàng trong nước vẫn phải mua vàng giá cao hơn so với giá thế giới, với mức chênh lệch phổ biến trong khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng. Các quy định của Nghị định 24 cũng hạn chế việc mua - bán vàng miếng, trong khi nhu cầu vàng của người dân trong nước vẫn luôn có và gia tăng qua thời gian.
Chỉ trong năm 2013, giá vàng thế giới đã giảm xấp xỉ 27%, nhưng giá trong nước chỉ giảm hơn 20%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vàng đang trên đà giảm, mà do trước đây, mặt hàng kim loại quý này đã tăng giá lên mức quá cao nên vàng bắt đầu điều chỉnh về mức hợp lý hơn và hiện tại được xem là mặt bằng giá tương đối hợp lý.
Khó giảm dưới giá thành sản xuất
Biên độ của giá vàng nhiều khả năng sẽ trong khoảng 10 - 20 USD/ounce/tuần. Biên độ dao động đến 100 USD/ounce trong vòng một tuần như trước đây là rất khó xảy ra. Vì thế, thị trường vàng năm nay khó có thể có sóng để các nhà đầu cơ có thể lướt, song bỏ vốn vào vàng được đảm bảo giá trị. Việc FED nâng lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ cũng đã được nhìn thấy và có lộ trình. Vì thế, nếu lãi suất đồng USD tăng sẽ làm cho vàng mất giá, song điều đó cũng không có nghĩa là mặt hàng kim loại quý này sẽ sụt giảm xuống dưới giá thành sản xuất hiện nay.
Vàng khó có thể giảm sâu như kỳ vọng và nếu giảm xuống dưới 1.250 USD/ounce chỉ có thể là xuống trong một giai đoạn. Có nhiều phân tích và đánh giá theo kỹ thuật cho rằng, vàng sẽ giảm xuống sâu khi FED cắt giảm gói nới lỏng định lượng và rút hẳn trong thời gian tới. Nhưng với các công ty sản xuất vàng trên thế giới, nếu giá vàng giảm xuống 1.200 - 1.250 USD/oune thì các công ty sản xuất vàng ở Nam Phi sẽ hạn chế việc sản xuất, thậm chí là dừng sản xuất. Một khi giá bán thấp hơn giá thành khai thác, sản xuất, thì chắc chắn các công ty khai thác vàng sẽ dừng khai thác hoặc khai thác chậm lại.
Do đó, giá vàng khó có thể xuống sâu như kỳ vọng của nhiều người khi cho rằng, vàng sẽ giảm mạnh khi FED rút hẳn gói nới lỏng định lượng và nâng lãi suất đồng USD. Thực tế cho thấy, giá vàng cũng đã giảm ngay khi thông tin FED cắt giảm gói định lượng được đưa ra cho đến khi FED hành động. Vàng đã có những phiên giảm giá trong những ngày FED thực hiện quyết định này. Thế nhưng, giá vàng vẫn duy trì trên ngưỡng 1.250 USD/ounce và thậm chí còn cao hơn mức này. Giá vàng chỉ giảm trong ngắn hạn một ngày hoặc hai ngày, chứ không kéo dài chuỗi giảm giá trong một thời gian dài.
Nói về mãi lực vàng vật chất, hiện đang có một xu hướng chuyển từ Tây sang Đông. Trước đây, các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ ở các nước châu Âu, Mỹ mua vào nhiều ở những năm trước đây thì nay lại bán ra để lấy tiền đầu tư vào các kênh khác như: chứng khoán, trái phiếu... Ngược lại, mãi lực vàng vật chất tăng mạnh ở các nước khu vực châu Á. Trong đó, phải kể đến là Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu vàng lại tăng khá mạnh.
So với Trung Quốc, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có những hạn chế bằng cách gia tăng thuế nhập khẩu vàng lên 15% do ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Tuy nhiên, một khi thuế nhập khẩu vàng tăng sẽ khó tránh được tình trạng buôn lậu, nhất là đối với một quốc gia có sức tiêu thụ vàng lớn như Ấn Độ và thực tế đã xảy ra tình trạng này.
Các dự báo đưa ra cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2014 có thể sẽ hồi phục, nếu tình hình chính trị ổn định. Nếu kinh tế đi lên thì "sức khỏe" của đô la Mỹ sẽ được hồi phục, do đó sẽ có những ảnh hưởng đến giá vàng khi không còn nhiều lực đẩy tăng giá mạnh như trước đây. Tuy nhiên, vàng vẫn giữ vai trò của nó nên khó có thể xuống sâu như kỳ vọng và khả năng sẽ ổn định trong biên độ giống như cuối năm 2013.
Dự báo, mức dao động của vàng trong năm nay sẽ xoay quanh 1.300 - 1.350 USD/ounce. Kỳ vọng “lướt sóng” vàng trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Với diễn biến của thị trường vàng hiện nay, các nhà đầu tư (ngoại trừ thị trường Trung Quốc) cũng không còn “ôm” trạng thái vàng nhiều như trước đây.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |