Kênh đầu tư triển vọng
Giá vàng quốc tế trong xu hướng đi lên, với biên độ giao động khá rộng khi tăng đến 60 USD/ounce trong phiên tối qua và chỉ giảm nhẹ sáng nay, do nhà đầu tư mua tài sản trú ẩn trong bối cảnh chính sách thuế quan vừa được Tổng thống Mỹ Donal Trump đưa ra và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Vả lại, sức khỏe đồng đôla Mỹ có dấu hiệu đi xuống trong những ngày gần đây.
Hiện có 5 kênh đầu tư phổ biến là: chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền gửi, ngoại tệ và tiền kỹ thuật số. Giới phân tích tài chính nhận định rằng, trong năm 2025, thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhờ những chính sách Nhà nước hỗ trợ; thị trường chứng khoán không ổn định. Lãi suất tiền gửi xu hướng tăng, nhưng chưa đạt được mức kỳ vọng. Còn đối với ngoại tệ vẫn có rủi ro, vì tỷ giá biến động.
Trong khi đó, vàng dự báo trong xu hướng tăng và tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư và tiền kỹ thuật số cũng có thể tăng trưởng tốt. Giá vàng trong năm qua đã tăng mạnh và tạo ra nhiều kỷ lục gần 30%. PSG TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, năm 2025, giá vàng thế giới phụ thuộc vào tình hình địa chính trị. Tại Ukraine - Nga, tình hình còn rất căng thẳng. Nếu chiến trường tại Ukraine vẫn căng thẳng, giá vàng sẽ tiếp tục bị đẩy lên. Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump… giá vàng trên thế giới sẽ tăng và đặc biệt lạm phát Mỹ sẽ tăng, đẩy giá trị đồng USD đi xuống, giá vàng sẽ tăng tiếp lên 3.000 USD/ounce.
Những ngày gần đây, trước sức nóng của vàng quốc tế, giá vàng SJC tăng, thêm vào đó cầu về vàng của người dân mua cầu may Thần Tài đẩy giá lên cao. Nhưng liệu giá vàng trong nước có cùng chiều với giá vàng thế giới trong năm 2025 vẫn là điều khó có thể xác định. Theo PSG TS Huân, điều này sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận sẽ như thế nào.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng trung ương toàn cầu tại WGC cho rằng, giá vàng tăng mạnh khi nhu cầu đầu tư tăng. Rủi ro địa chính trị, lo ngại về suy thoái kinh tế và giá vàng tăng vọt là các yếu tố làm các con số này gia tăng đáng kể, ngay cả khi giá vàng cao kỷ lục.
Về xu hướng giá vàng, WGC không đưa ra dự báo cụ thể về giá vàng. Nhưng nhiều yếu tố có thể tác động đến giá vàng là lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chuyển sang giai đoạn nới lỏng, có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất và giá vàng sẽ hưởng lợi. Một yếu tố khác tác động tới giá vàng sắp tới là tác động thực tế từ các chính sách của ông Trump và Dollar Index giảm nhẹ.
Vàng còn tăng giá?
Trên thực tế, vàng thường được coi là công cụ trú ẩn trong tình hình lạm phát và bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng khiến kim loại quý kém hấp dẫn. Vì thế, giới phân tích tài chính dự báo sự bất ổn mà chính quyền ông Trump gây ra, cùng với việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng để giảm lượng USD nắm giữ có thể kéo giá lên 3.000 USD một ounce năm nay.
Báo cáo thường niên của WGC cho thấy, nhu cầu vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục đẩy mạnh mua vào và nhu cầu đầu tư tăng trưởng. Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn không ngừng gia tăng và đã duy trì tốc độ mua vàng mạnh mẽ liên tục với lượng mua vượt quá 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp.
Đồng thời, nhu cầu đầu tư vàng cũng tăng trên tất cả các thị trường ASEAN vào năm ngoái, với Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan báo cáo mức tăng hai chữ số trong năm qua. Trong năm 2025, WGC kỳ vọng, các ngân hàng trung ương thế giới sẽ vẫn nắm quyền chi phối giá vàng và các nhà đầu tư ETF sẽ tham gia vào xu hướng, đặc biệt là nếu chúng ta thấy lãi suất thấp hơn nhưng không ổn định.
Vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản an toàn khi J.P. Morgan dự đoán đây sẽ là mặt hàng đầu tư hàng đầu trong năm 2025. Sự tăng trưởng giá vàng được đánh giá là phản ánh môi trường kinh tế bất ổn và xu hướng bảo toàn giá trị. Trong hai năm qua, J.P. Morgan khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn vàng và điều này đã được chứng minh là đúng. Đội ngũ chuyên gia của ngân hàng này dẫn đầu bởi Natasha Kaneva cho rằng, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh kinh tế đầy bất ổn.
Mặc dù có triển vọng tích cực, song giới phân tích cho rằng, vàng vẫn phải đối mặt với một số rủi ro. Đáng chú ý là khi sức khỏe USD mạnh lên có thể làm suy giảm đà tăng giá vàng, nhất là khi kim loại quý này thường đạt hiệu suất cao vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm. Thêm vào đó, biến động từ các yếu tố kinh tế toàn cầu, như chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự biến động giá Bitcoin, cũng tạo áp lực lên vàng. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed gần đây cũng đưa ra so sánh rằng, Bitcoin với vàng như một tài sản đầu cơ, điều này có thể ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư. Vì thế, để tận dụng cơ hội, nhà đầu tư cần nắm bắt thời điểm vàng có mức giá hợp lý trong các giai đoạn điều chỉnh. Việc quan sát các chính sách tiền tệ của Fed, sức mạnh của đồng đôla Mỹ và xu hướng tiêu dùng ở các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là yếu tố quyết định đến giá vàng.
Tuy vậy, giới phân tích đánh giá, vàng vẫn là lựa chọn đáng tin cậy trong việc bảo toàn giá trị tài sản trong môi trường kinh tế nhiều biến động. Trong năm 2025, Goldman Sachs cũng đưa dự báo, giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm khi Fed dự kiến cắt giảm lãi suất hai lần; sự bất định xung quanh các chính sách của Trump; nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương thế giới tăng lên.