Đến thời điểm này, tháng 10 có thể xem là đã đối đãi tốt với vàng, mặc dù đầu tháng có chút khó khăn. Tuy nhiên, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các động thái của đồng USD sẽ quyết định liệu kỳ nghỉ Halloween có lường gạt gì kim loại quý hay không.
Giá vàng giao tháng 12 đã tăng hôm thứ Sáu tuần qua, chốt lại tuần ở mức 1.231,80 USD/ounce trên sàn Comex, nhưng giảm 0,58% so với tuần trước đó.
Theo khảo sát của Kitco News, có 6 người đoán giá tăng trong tuần này, 9 người đoán giá giảm và 6 người đoán giá đi ngang.
Vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ 10/9 đầu tuần này, lên 1.255,60 USD/ounce, nhưng đã giảm trở lại về cuối tuần. Hoạt động mua vàng vật chất trước Lễ hội mùa Thu ở Ấn Độ cùng với các lệnh mua kỹ thuật đã hỗ trợ kim loại quý tăng lên các mức giá cao hơn, nhưng không giữ được lâu. Thêm vào đó, các môi giới kim loại ở châu Âu nói rằng, Ấn Độ đã dừng các hoạt động công việc để nghỉ lễ, khiến cầu vàng vật chất giảm.
“Từ tháng 9 đến khoảng thứ Hai tuần qua, nhu cầu là tương đối ổn, nhưng tháng tới là tháng 11 và tôi hy vọng cầu sẽ tăng trở lại. Giáng sinh đang đến gần”, một nhà môi giới vàng ở châu Âu nói.
Một nhà giao dịch ở sàn New York nói rằng, phí giao dịch vàng tương lai đã giảm hôm thứ Sáu tuần trước, một dấu hiệu nhu cầu vàng vật chất sẽ trở lại. “Tôi sẽ tiếp tục theo dõi điều này trong tuần mới, để xem liệu nhu cầu vàng vật chất có tăng lên hay không. Tôi không chắc giá sẽ vượt qua mức 1.250 USD/ounce, nhưng nhu cầu sẽ tăng thêm nếu giá giảm. Tôi đang quan sát ngưỡng hỗ trợ 1.215 USD/ounce. Đây là một ngưỡng quan trọng đối với vàng”.
Một số nhà giao dịch nói rằng, giao dịch trên các thị trường vàng có thể sẽ không nhiều trong những ngày đầu tuần mới vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố kết quả của cuộc kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng thuộc khu vực đồng euro, trong đó, hình như có 130 ngân hàng lớn đã không vượt qua được.
“Kết quả đó có thể khiến ECB mua thêm tài sản để hỗ trợ các ngân hàng và điều này sẽ làm yếu đồng euro cũng như tăng sức mạnh của đồng USD, một nhân tố tiêu cực đối với vàng”, Daniel Pavilonis, một môi giới hàng hóa cao cấp ở RJO Futures, nói.
Vàng SJC giảm 120.000 đồng/lượng
Tại thị trường trong nước, vàng SJC tuần qua cũng tăng nhẹ đầu tuần rồi giảm mạnh sau đó. Chốt tuần, giá vàng thương hiệu quốc gia ở mức 35,60 - 35,72 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.
Chốt tuần, giá vàng PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ở mức 32,62 - 32,82 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Sở dĩ vàng PNJ vẫn tăng so với cuối tuần trước một phần do đợt tăng mạnh bất ngờ 220.000 đồng/lượng hôm 21/10.
USD có xu hướng tăng trở lại
Tuần qua, giá USD có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, giá USD tự do chốt tuần ở mức 21.260 – 21.290 đồng/USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước đó. Giá USD do Vietcombank niêm yết chốt tuần ở mức 21.235 – 21.285 đồng/USD, tăng 15 đồng so với trước đó một tuần.
Các ngoại tệ khác hầu hết giảm. Trong đó, giám mạnh nhất là EUR của châu Âu với -2,56%, bỏ xa đồng tiền giảm thứ hai là JPY của Nhật với -1,31%; tiếp đến là CHF của Thụy Sỹ với -1,02%... Ở chiều tăng, chỉ có CAD của Canada đáng kể với 0,42%.
Trên thị trường quốc tế, cặp EUR/USD đã giảm trong tuần qua, chốt tuần ở mức 1,267, so với mức 1,278 cuối tuần trước đó. Cặp USD/JPY có xu hướng tăng, chốt tuần qua ở mức 108 so với mức 107,8 cuối tuần trước đó. Trong tuần, cặp tỷ giá này có lúc xuống còn 106,3.