Vàng tuần 27-31/1: Đón dòng tiền chạy đến

(ĐTCK) Giá vàng tương lai đã có chuỗi tuần tăng dài nhất trong vòng 16 tháng khi cổ phiếu toàn cầu giảm giá thúc đẩy nhu cầu kim loại quý như một lựa chọn thay thế. Trong tuần từ 27-31/1, dự báo xu hướng này vẫn tiếp tục.
Vàng tuần 27-31/1: Đón dòng tiền chạy đến

Vàng thế giới

Giá vàng giao tháng 2 đã tăng hôm thứ Sáu tuần trước, chốt tại mức 1.264,3 USD/ounce, tăng 1% so với cuối tuần trước đó. Đây là tuần tăng thứ 5 liên tiếp và là chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ tháng 9/2012. Trước đó, giá đã đạt tới 1.273,2 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 20/11/2013.

Giá vàng giao ngay cũng lần lượt vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 rồi 1.260 USD/ounce, thậm chí 1.270 USD/ounce  trong tuần qua. Mức cao nhất là 1.270,6 USD/ounce, chốt tuần tại 1.270,2 USD/ounce.

Chỉ số MSCI toàn cầu đã rớt mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 do lo ngại tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đuối sức sau khi số liệu sản xuất của nước này bất ngờ co hẹp và ngân hàng trung ương nước này yêu cầu các chi nhánh tăng cường giám sát rủi ro tín dụng đối với ngành than.

Nếu những lo lắng về tăng trưởng kinh tế lan sang tuần tới, vàng có thể tăng tiếp, đặc biệt với sự hỗ trợ của các biểu đồ kỹ thuật.

Theo khảo sát của Kitco News, trong số 22 người trả lời, có 13 người đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, 5 người đoán giá giảm và 4 người đoán giá đi ngang.

“Một vài nhà quan sát đã quy hoạt động bán tháo ở các thị trường mới nổi cho việc rút gói QE của Fed. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm rằng, lãi suất cao hơn và thanh khoản toàn cầu giảm đi sẽ làm tổn thương các thị trường mới nổi phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài - thâm hụt cán cân thanh toán - nhưng các vấn đề nổi lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Venezuela, Argentina hay Ukraine không hẳn đã liên quan nhiều đễn chính sách của Fed hay thanh khoản toàn cầu”, Brown Brothers Harriman nói.

Vàng tuần 27-31/1: Đón dòng tiền chạy đến ảnh 1

Giá vàng thế giới đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 9/2012

Vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, diễn biến giá vàng SJC cũng có một tuần giàu cảm xúc khi giá có lúc đã giảm về khá sâu dưới ngưỡng 35 triệu đồng/lượng, nhưng rồi đã tăng trở lại, chốt tuần ở mức xấp xỉ cuối tuần trước đó. Vào thời điểm giá vàng thế giới còn 1.232,2 USD/ounce, giá vàng thương hiệu quốc gia là 34,80 - 34,85 triệu đồng/lượng. Chốt tuần, giá vàng SJC là 35,18 - 35,26 triệu đồng/lượng, cao hơn cuối tuần trước 60.000 đồng/lượng. Giá cao nhất trong tuần là 35,25 - 35,30 triệu đồng/lượng.

Chốt tuần, giá vàng Phượng hoàng PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 32,65 - 33,00 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, trong khi giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 32,84 - 33,39 triệu đồng/lượng, tăng 370.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Trong tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tổ chức bán vàng và như vậy, nhiều khả năng, tháng 1/2014 sẽ là một tháng “trống” đầu tiên kể từ khi NHNN bắt đầu thực hiện nghiệp vụ này.

Vàng SJC đã trở lại trên ngưỡng 35 triệu đồng/lượng

Ngoại tệ

Tuần qua, giá USD trên cả hai thị trường có xu hướng giảm, đặc biệt trên thị trường ngân hàng. Đặc biệt, ngay cả trong ngày thứ Bảy, 25/1, ngày mà Vietinbank thường không điều chỉnh tỷ giá niêm yết, Ngân hàng cũng giảm giá USD 10 đồng xuống còn 21.055 - 21.095 đồng/USD, thấp hơn 15 đồng/USD so với cuối tuần trước đó.

Trên thị trường tự do, giá USD giảm hầu như cả tuần, nhưng lại bất ngờ tăng 10 đồng ở giá mua, 30 đồng ở giá bán trong ngày cuối tuần 25/1 lên 21.120 - 21.160 đồng/USD. Giá này thấp hơn 20 đồng ở giá mua, bằng với giá bán của cuối tuần trước đó.

Với các ngoại tệ khác, cơ cấu tăng/giảm tương đối cân bằng trong tuần qua. Ở chiều tăng, JPY dẫn đầu với 2,03%; tiếp theo là CHF với 1,29%; GBP với 1,01%... Ở chiều giảm, AUD giảm mạnh nhất với 1,43%; tiếp đến là CAD với -1,35%.

Trên thị trường quốc tế, cặp EUR/USD đã có cú tăng đột biến vào giữa tuần qua, từ 1,3550 lên 1,3700, chốt tuần ở mức 1,3670. Cặp USD/JPY giảm mạnh về cuối tuần, từ 104,75 còn 102,29 khi chốt tuần.

Lê Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục