Tại thị trường trong nước, sau khi đi ngược với xu hướng tăng của thị trường quốc tế, hôm nay (26/3), giá vàng đã tăng mạnh trở lại.
Vàng SJC sáng nay niêm yết ở 35,25 – 35,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 20.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng, mua vào – bán ra ở 35,30 – 35,40 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sáng nay niêm yết ở 31,77 – 32,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), về cuối ngày, giá vàng tăng mạnh 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, niêm yết ở 32,02 – 32,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở 21.480 – 21.540 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 150 đồng so với ngày hôm qua. Trên thị trường tự do, giá USD hiện mua vào – bán ra ở mức 21.580 – 21.600 VND/USD, giảm 20 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua.
Trước đó, trong phiên châu Á sáng nay, vàng có 1 phiên tăng đột biến, vượt qua ngưỡng 1.200 USD/ounce mà các chuyên gia dự đoán trước đó.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.195,10 USD/ounce, lúc đầu phiên, giá vàng giữ xu hướng tăng nhẹ sau đó đi ngang quanh mức 1.198 USD/ounce. Về cuối phiên, giá vàng tăng mạnh lên mức đỉnh 1.1218,20 USD/ounce, tăng 23,1 USD/ounce so với giá mở cửa và chốt phiên tại 1.210,70 USD/ounce, tăng mạnh so với lúc mở phiên.
Giá vàng giao sau tháng Tư trên sàn Comex tăng 5,7 USD/ounce, chốt phiên tại 1.197,00 USD/ounce.
Một số tin kinh tế xấu của Mỹ được công bố đã giúp đà tăng của vàng càng thêm bền vững trong tuần này. Các báo cáo thứ Tư (25/3) cho thấy số đơn đặt hàng trong tháng Hai tại Mỹ đã giảm 1,4%, trong khi các chuyên gia dự đoán sẽ tăng 0,2%. Thêm vào đó, vàng cũng nhận được hỗ trợ mạnh từ phát biểu của người đứng đầu trụ sở Fed tại Chicago Charles Evans. Ông Charles cho biết, Fed sẽ đợi tới năm sau để bắt đầu tiến hành nâng mức lãi suất. Thêm vào đó, việc thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm cũng giúp tính trú ẩn an toàn của vàng lên ngôi.
Bên cạnh các tin xấu từ Mỹ, thị trường được đón nhận những tín hiệu tích cực từ châu Âu. Liên minh châu Âu đã công bố báo cáo kinh tế mới nhất trong tuần, theo đó Chỉ số môi trường kinh doanh (Ifo) của Đức đã tăng trong tháng 3 này, đánh dấu 5 tháng tăng liên tiếp. Chỉ số này dựa trên khảo sát của các nhà sản xuất, xây dựng, các nhà bán sỉ, bán lẻ và được công bố khoảng 3 tuần kể từ đầu tháng của tháng hiện tại.
Đây là chỉ báo hàng đầu về sức khỏe của nền kinh tế - các doanh nghiệp phản ứng nhanh với tình hình thị trường và sự thay đổi cảm tính của họ có thể là dấu hiệu ban đầu của hoạt động kinh tế trong tương lai như chi tiêu, thuê mướn và đầu tư. Chỉ số Ifo tháng 3 ở 107,9, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Báo cáo này cũng cho rằng, gói nới lỏng định lượng của Ngân hàng trung ương châu Âu đã có những tác động tích cực lên thị trường.