USD giảm mạnh vào Thứ Hai (16/3) ở châu Á sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất cơ bản xuống 0%.
Ðây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của Fed trong vòng chưa đầy hai tuần sau đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp hiếm hoi vào đầu tháng 3/2020.
Fed cũng công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE), hứa hẹn sẽ tăng lượng trái phiếu nắm giữ thêm ít nhất 700 tỷ USD.
Chiều Chủ nhật (giờ địa phương), Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nói rằng, họ đưa lãi suất về phạm vi mục tiêu từ 0 - 0,25%. Sau khi thông tin được công bố, chỉ số USD (DXY) đã giảm 0,7% xuống 98,05.
Trong diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào thứ Sáu sau khi nước này ghi nhận hơn 2.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 50 người tử vong. Sự bất ổn đã tấn công thị trường tài chính toàn cầu khi bắt đầu tuần giao dịch mới. Các nhà phân tích nói rằng, giờ đây, nơi duy nhất các nhà đầu tư có thể tìm đến là vàng.
Vào đầu phiên giao dịch châu Á trong ngày đầu tuần, thị trường vàng khởi động đầy mạnh mẽ nhưng không ổn định.
Giá vàng kỳ hạn tháng 4 từng được giao dịch ở mức cao 1.559,50 USD/ounce, tăng 2,8% trong ngày. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã mở phiên giao dịch châu Á giảm 4,77% so với giới hạn giao dịch hàng ngày.
Mặc dù giá vàng đang ở mức cao lúc mở cửa, song các nhà phân tích lĩnh vực này cho rằng, đây vẫn là nơi trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng, trước mắt, kênh đầu tư này tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường chứng khoán sụp đổ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản cho các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư buộc phải thanh lý tài sản như vàng để đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ. Giá vàng được dự báo dao động trong khoảng 1.525 - 1.600 USD/ounce trong môi trường biến động hiện nay.
Nhưng trong tương lai, vàng còn có cơ hội tăng giá khi tình hình kinh tế Mỹ suy yếu do dịch bệnh.
Trong một lưu ý công bố vào ngày 15/3, Goldman Sachs cho biết, Ngân hàng dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ ở mức 0% trong quý I/2020, so với mức dự đoán ban đầu là tăng 0,7%; còn trong quý II/2020, GDP của Mỹ sẽ giảm 5%, so với mức dự báo ban đầu là tăng 0%.
Trong khi đó, Ngân hàng đã nâng mức dự báo GDP của Mỹ trong quý III/2020 lên 3% từ mức ước tính tăng 1% ban đầu.
Cũng theo Goldman Sachs, GDP của Mỹ trong cả năm 2020 sẽ tăng 0,4%, thấp hơn so với con số tăng 1,2% như dự kiến ban đầu.
Thị trường vàng đã phản ứng với thông tin này khi giá vàng tăng vọt lên mức 1.570 USD/ounce, tăng hơn 40 USD ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày đầu tuần (theo giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, quy đổi ra VND, mỗi lượng vàng thế giới đang được bán ra ở mức 43,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với giá các doanh nghiệp trong nước niêm yết hồi cuối tuần trước, ở mức 46,7 triệu/lượng.
Ðó cũng là điều được giới phân tích lĩnh vực vàng khuyến cáo, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trước biến động của giá vàng hiện nay. Bởi giá vàng trong nước không được liên thông với giá quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, mặt hàng kim quý vàng chưa hết cơ hội tăng giá trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp hiện nay.
Các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm đến vàng như hầm trú ẩn an toàn. Thế nhưng, điều này đòi hỏi sự cẩn trọng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước.
Ðặc biệt là trước biến động với biên độ rộng của vàng, người dân khi đầu tư vào kênh này cần thường xuyên theo dõi thị trường trong nước và thế giới để có quyết định hợp lý.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, tập trung vào chỉ một mặt hàng vàng, mà nên chia nhỏ sang các khoản đầu tư khác nhằm hạn chế rủi ro trong tình huống bất lợi xảy ra.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, về dài hạn, vàng vẫn có nhiều cơ hội, còn chứng khoán chủ yếu thu hút dòng tiền ở phân khúc phái sinh và cổ phiếu nhỏ.
Vàng được dự báo khả năng tăng lên 1.800 - 2.000 USD/ounce, song rủi ro lớn luôn đi kèm với cơ hội sinh lời cao.