Năm 2024, xu hướng tăng của giá vàng bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 2, sau khi ghi nhận mức tăng 13% trong năm 2023, đạt 2.062,9 USD/ounce và đi ngang trong 2 tháng đầu năm mới.
Trong tháng 3 và 4/2024, giá vàng bật tăng, lên trên 2.400 USD/ounce. Từ đó đến nay, giá vàng dao động trong biên độ rộng, nhưng lập mức cao kỷ lục mới vào tháng 7 tại 2.483,6 USD/ounce và cuối tuần qua đóng cửa ở gần mức này, tăng khoảng 20% so với cuối năm ngoái.
J.P. Morgan dự báo, tới cuối năm 2024, giá vàng thế giới có thể giao dịch ở mức đỉnh mới là 2.500 USD/ounce và tăng lên 2.600 USD/ounce trong năm 2025.
Đầu tư vào vàng có xu hướng hiệu quả trong thời kỳ bất ổn kinh tế hoặc chính trị. Hiện tại, trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa biết khi nào sẽ kết thúc, thì tại Trung Đông, Iran và Israel đang trong tình trạng căng thẳng, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một nơi “trú ẩn an toàn”.
“Chúng tôi nhận thấy, giá vàng tiếp tục tăng trong năm nay, trong bối cảnh các sự kiện lớn liên quan tới địa chính trị, kinh tế và xã hội lớn. Tôi tin rằng, giá vàng sẽ tăng trong suốt mùa thu và đến cuối năm”, ông Brandon Aversano, nhà sáng lập kiêm CEO Alloy Market Inc., một sàn giao dịch vàng tại Mỹ chia sẻ.
Theo ông Aversano, các chính phủ và ngân hàng trung ương lớn đang và sẽ mua vàng với số lượng lớn để phòng ngừa bất ổn. Nhu cầu công nghiệp đối với kim loại quý này cũng tăng. Khi những bên mua lớn phát sinh giao dịch, nguồn cung chung sẽ giảm, dẫn đến giá vàng tăng mạnh.
Tiến sĩ kinh tế Peter C. Earle đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế Mỹ (AIER) nhận định, giá vàng sẽ “ổn định hoặc tăng khi chúng ta tiến gần đến cuộc bầu cử (tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024)”.
“Nếu các cuộc xung đột quốc tế hiện tại lan rộng, hoặc bùng nổ các cuộc xung đột mới, giá vàng có thể tăng cao hơn. Ngoài ra, nếu lúc đó nền kinh tế Mỹ đột ngột giảm tốc và thị trường đánh giá sự suy thoái là quá nhanh để có thể điều chỉnh tiền tệ cùng với một số hình thức kích thích tài chính, vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới”, ông C. Earle nói.
“Vàng có xu hướng tăng giá kể từ quý IV/2022. Với giá vàng vượt mức 2.400 USD/ounce vào tháng 4/2024, đợt tăng giá đã diễn ra sớm hơn và mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Điều này đặc biệt đáng ngạc nhiên, vì nó trùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và lợi suất thực tại Mỹ tăng cao hơn do dữ liệu lao động và lạm phát báo động”, ông Gregory Shearer giải thích trong một nghiên cứu của J.P. Morgan.
Ông Shearer cho biết: “Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, lệnh trừng phạt gia tăng và phi đô la hóa, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu mua tài sản thực bao gồm vàng ngày càng tăng”.
Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa toàn cầu tại J.P. Morgan, bà Natasha Kaneva cho hay, có nhiều động lực tăng giá mang tính cấu trúc của một tài sản thực như vàng, bao gồm mối lo ngại về thâm hụt tài chính của Mỹ, sự đa dạng hóa dự trữ của các ngân hàng trung ương vào vàng, nhu cầu phòng ngừa rủi ro trước lạm phát và bối cảnh địa chính trị không ít nơi trên thế giới đang căng thẳng đã nâng giá vàng lên các mức cao kỷ lục mới trong năm nay, dù đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn trước.
“Những động lực đó có khả năng sẽ duy trì, bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa thu năm nay như thế nào”, bà Kaneva dự báo.
Mặc dù giá vàng có dư địa tăng, nhưng chuyên gia tài chính Raman Singh lưu ý, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là rất quan trọng, trong đó vàng chỉ là một phần trong tổng thể chiến lược dài hạn của nhà đầu tư. Khi quyết định đầu tư vào vàng, loại kim quý này chỉ nên giới hạn trong khoảng 10% tổng danh mục đầu tư.