Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/8, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.524,7 USD/ounce, giảm gần 17 USD/ounce (tương đương giảm hơn 1%) so với đầu phiên giao dịch ngày 29/8. Cùng thời điểm, chỉ số USD-Index tăng hơn 0,2% lên mức 98,4 điểm.
Ðối với thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết ở mức 42,35-42,8 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước đó và tiếp tục giảm trong buổi chiều.
Vàng có xu hướng điều chỉnh giảm trong một vài phiên gần đây. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá vàng đã tăng tới 112 USD/ounce, vượt qua mức đỉnh kể từ năm 2016 được ghi nhận trong tháng 6/2019 là gần 1.420 USD/ounce. Mức tăng giá mạnh của vàng đến trong thời điểm chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm hơn 3% trong tháng 8.
Tuy đang giảm, song nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan về giá vàng khi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng. Sự bất ổn của kinh tế thế giới tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tìm tài sản trú ẩn an toàn, qua đó hỗ trợ giá vàng.
Trong một nghiên cứu gần đây, Shyam Devani, chiến lược gia kỹ thuật cao cấp tại Citigroup cho biết, mối tương quan giữa vàng và S&P 500 đang mật thiết hơn, nếu chỉ số chứng khoán này giảm sâu hơn sẽ kích hoạt một đợt tăng giá mới và giá vàng có thể tăng thêm 25%.
Các nhà phân tích của Citigroup cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu hiện dễ bị “tổn thương”, nhất là khi đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược, thay vì tăng.
Thực tế, thị trường vàng đã chứng kiến áp lực bán kỹ thuật vào ngày 28/8, sau khi bắt đầu ngày ở mức cao nhất trong 6 năm. Các dự báo đưa ra, vàng có thể giám về mức 1.480 USD/ounce, trước khi tăng lên mức cao hơn 1.575 USD/ounce.
Theo khảo sát của Phố Wall, trong số các chuyên gia được hỏi, cứ 10 chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng (tương ứng tỷ lệ 59%), thì có 3 chuyên gia nhận xét giảm (tỷ lệ 18%) và 4 chuyên gia đánh giá đi ngang (tỷ lệ 24%). Hai tuần trước đó, tỷ lệ chuyên gia dự báo vàng tăng giá đạt 70-90%.
Ðồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Thái Lan, Indodesia và Việt Nam cho rằng, mức giá 1.500-1.550 USD/ounce của vàng sẽ còn duy trì trong thời gian tới.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HÐQT CTCP Ðầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) thông tin, 8 tháng qua, vàng đã tăng khoảng 20%, nhưng riêng từ tháng 6/2019 đến nay tăng 17-18%. Việc giá vàng tăng mạnh trong thời gian ngắn khiến người có tiền nhàn rỗi tỏ ra sốt ruột.
Cũng theo ông Hải, thương chiến Mỹ - Trung đang ngày một leo thang, khi Mỹ liên tục đưa ra các chính sách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng có động thái đáp trả. Sự giằng co này sẽ khiến thương chiến tiếp tục kéo dài.
Xét về lý thuyết, khi thương chiến xảy ra thì cả hai nền kinh tế đều chịu thiệt hại. Ðề giảm thiểu các tác động, cũng như kích thích nền kinh tế, Mỹ đã và đang giảm lãi suất USD (sau lần giảm 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 8, dự báo sẽ giảm thêm 2 đợt, một trong cuộc họp tháng 9/2019 và một thực hiện trước cuối năm nay - PV), Trung Quốc cũng phá giá nhân dân tệ (CNY).
CNY đã liên tục giảm trong thời gian gần đây và tỷ giá USD/CNY đang tiệm cận ngưỡng 7,14 CNY/USD. Việc USD, CYN cùng yếu đi là cơ hội để vàng tăng giá.
Theo giới chuyên gia, vàng đang hình thành mặt bằng giá mới, những người có tiền nhàn rỗi có thể xem xét đầu tư vào mặt hàng kim loại quý này. Tuy vậy, theo Chủ tịch HÐQT VGB, việc đầu tư vào vàng cần có chiến lược dài hạn, bài bản để hạn chế tối đa rủi ro.
“Còn nếu muốn ‘lướt sóng’, nhà đầu tư nên thận trọng, phải sát sao với từng diễn biến của thị trường cũng như giá vàng thế giới”, ông Hải khuyến nghị.