Giá vàng đã giảm 0,6% vào lúc 8h sáng nay trên sàn London. Trong khi đó, đồng ruble của Nga giảm 0,3% so với đồng euro, và giảm 0,2% so với đồng USD. Đồng yên Nhật cũng giảm so với 15 trong số 16 đồng tiền chính khác khi xuất khẩu của nước này chỉ tăng 1,8% trong tháng 3, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng 6,5%.
Ukraine cảnh báo rằng, Nga có thể sử dụng các cuộc xung đột gây đổ máu trên các đường phố miền Đông nước này như một lý do để xâm phạm lãnh thổ Ukraine.
Nhập khẩu của Nhật đã tăng 18% trong tháng 3, không đổi so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại 14,1 tỷ USD.
“Rất khó để vàng duy trì được vị thế là tài sản an toàn”, Frances Hudsonm, chiến lược gia của Standard Life ở Edinburgh, nói. “Tôi nhận thấy nhu cầu vàng vẫn khá mờ nhạt. Mọi thứ đều có vẻ tốt hơn ở Mỹ và châu Âu. Cả hai nền kinh tế này vẫn có nhiều vấn đề phải đối mặt, nhưng đều đang có dấu hiệu cải thiện”.
Vàng trong nước giảm 100.000 đồng/lượng
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC hôm nay giảm đầu ngày sau đó đi ngang. Đến 4h30 chiều nay, giá vàng thương hiệu quốc gia ở mức 35,34 - 35,40 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Cùng thời gian, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 33,90 - 34,10 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với tuần trước. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 33,19 - 33,74 triệu đồng/lượng, tăng 90.000 đồng ở giá mua, giảm 60.000 đồng ở giá bán so với cuối tuần trước.
Ngoại tệ ổn định
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD tự do và ngân hàng đều không đổi so với tuần trước. Cụ thể, giá USD tự do vẫn là 21.090 - 21.110 đồng/USD; giá USD do Vietcombank niêm yết vẫn là 21.080 - 21.120 đồng/USD. Các ngoại tệ khác thay đổi không đáng kể, tất cả đều dưới 0,11%.