Vang Đà Lạt và những bước chuyển mình

(ĐTCK) Vang Đà Lạt là thương hiệu vang do Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng - Ladofoods sở hữu độc quyền. Trong những năm qua, Ladofoods (Mã chứng khoán: VDL) đang dần có những bước chuyển mình, khẳng định về chất lượng sản phẩm và không ngừng tăng thị phần trên thị trường vang nội.
Nhà máy sản xuất rượu vang với quy mô lớn của VDL Nhà máy sản xuất rượu vang với quy mô lớn của VDL

Tiền thân là xưởng rượu vang Lafaro của người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, thương hiệu Vang Đà Lạt lần đầu tiên ra mắt thị trường vào năm 1999 và Ladofoods là một doanh nghiêp tiên phong trong lĩnh vực chế biến và sản xuất rượu vang tại Việt Nam.

Với định hướng luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm và khách hàng, Vang Đà Lạt đã dần khẳng định được thương hiệu rượu vang của Việt Nam trên thị trường, phát triển và mở rộng hệ thống các kênh phân phối cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia… Theo số liệu thống kê, trung bình toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 14 - 15 triệu lít rượu vang/năm, trong đó, Vang Đà Lạt của VDL chiếm tới 60% trong số các nhãn hiệu vang nội.

Bước chuyển mình của Vang Đà Lạt

Nhận thức rõ kỹ thuật sản xuất và nguồn nguyên liệu là những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, Ladofoods đã không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ thuật, công nghệ với nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất được nhập khẩu mới hoàn toàn từ Ý. Hiện công suất sản xuất của VDL đạt 5 triệu lít/năm và công suất ủ nho đạt 2,5 triệu lít/lần.

Đáng chú ý, từ năm 2012, với sự tham gia đầu tư của CTCP Elmich (Elmich) vào Ladofoods, Elmich đã hỗ trợ VDL đưa chuyên gia châu Âu sang Việt Nam để thử nghiệm và triển khai kỹ thuật trồng nho đóng cọc trên diện rộng, kết hợp công nghệ xử lý sâu bệnh cho nho theo tiêu chuẩn BIO của châu Âu. Đây là kỹ thuật trồng nho mới lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam, giúp tối đa hóa diện tích tiếp xúc ánh nắng của cây nho, mang lại lượng đường cao và độ chát phù hợp của vỏ nho, yếu tố then chốt cho chất lượng rượu vang hoàn hảo.

Đồng thời, để mở rộng nguồn nguyên liệu, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Công ty đã thông qua kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu thêm 30 héc-ta ở trong nước, đầu tư vùng nguyên liệu trồng nho ở nước ngoài và đầu tư 30 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy Phát Chi.

Để thực hiện được kế hoạch đầu tư đó, VDL sẽ phải tăng gấp đôi vốn điều lệ trong năm nay thông qua đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 124,2 tỷ đồng lên 248,4 tỷ đồng. 

Elmich đồng hành cùng sự phát triển của Vang Đà Lạt

Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, các cổ đông của VDL đã thông qua việc CTCP Elmich nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% mà không phải thực hiện chào mua công khai và Ladofoods chính thức trở thành công ty con của Elmich. Điều này đã khẳng định việc gắn bó lợi ích lâu dài của Elmich, đồng hành vì sự phát triển bền vững của Vang Đà Lạt.

Năm 2015, VDL đặt mục tiêu doanh thu 460 tỷ đồng,  lợi nhuận dự kiến đạt 28 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 38% so với con số đạt được năm 2014. Ông Đỗ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT VDL, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Elmich khẳng định, năm 2015 và những năm tiếp theo, Công ty sẽ triển khai mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường đầu tư cho công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối và quản trị doanh nghiệp.

Với những bước chuyển mình trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, VDL hứa hẹn sẽ có một diện mạo và vị thế mới trên thị trường rượu vang giàu tiềm năng hiện nay.

Diệu Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục