Giá vàng thế giới biến động mạnh và chốt năm tài chính 2021 ở quanh mức 1.800 USD/ounce. Theo ông, giá kim loại quý này sẽ diễn biến ra sao trong năm 2022?
Mặc dù các phiên cuối tháng 12/2021 giá vàng chỉ xoay quanh 1.800 USD/ounce và chưa tạo được sóng lớn so với mức 1.900 USD/ounce đã xác lập vào giữa năm 2021, song vàng vẫn được giới đầu tư chú ý trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tăng, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp và lãi suất USD vẫn duy trì mức thấp.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày trung tuần tháng 12/2021 cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2021 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982, lạm phát tại quốc gia này tăng mạnh trên 5% liên tục trong nửa năm qua.
CPI trong tháng 11 cao hơn 0,8% so với tháng 10 vốn đã tăng 0,9% so với tháng trước đó. Mức lạm phát phản ánh giá cả một loạt mặt hàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong tháng 10, giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng 4,9%, giá xăng tăng 6,1%, trong khi giá xe hơi tăng hơn 11%. Liên tục trong 6 tháng, giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà cửa, xăng dầu cho đến thực phẩm, đã gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm và kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Joe Biden.
|
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam |
Mặc dù bắt đầu giảm dần thu mua tài sản trong tháng 11/2021, song Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thừa nhận, sự không chắc chắn xoay quanh vấn đề lạm phát, đồng thời nhấn mạnh rằng, cơ quan này chuẩn bị nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Lâu nay, vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trước bối cảnh lạm phát tăng và gần đây, khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ liên tục tăng cao, giới đầu tư đã tìm đến vàng như là cách để hạn chế rủi ro. Các nhận định cũng được đưa ra từ các chuyên gia phân tích về lĩnh vực này trên thế giới rằng, khả năng vàng sẽ chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce trong nửa đầu năm 2022, thậm chí không ngoại trừ khả năng kiểm nghiệm lại mốc 2.000 USD/ounce nếu lạm phát Mỹ còn tăng cao.
Trên thực tế, áp lực lạm phát tăng đã được dự báo trước khi Mỹ đưa ra nhiều gói kích cầu kinh tế kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Một khi lượng tiền được đưa vào thị trường quá nhiều để kích cầu khi nền kinh tế suy thoái thì khó có thể tránh lạm phát tăng cao trong tương lai. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá vàng trong dài hạn.
Fed đã lên lộ trình với 3 lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát tăng và thông thường, khi USD tăng thì vàng sẽ giảm, liệu “lịch sử có lặp lại” trong năm 2022?
Mặc dù chịu sức ép thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed trong năm 2022, song mặt hàng kim loại quý vàng vẫn được nhìn nhận có triển vọng tăng giá trước áp lực lạm phát cao của Mỹ và biến chủng mới Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Các quan chức Fed đã thảo luận về việc tăng lãi suất sớm ngay từ tháng 3/2022 và bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Mỹ vào năm 2022.
Cụ thể, Fed sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD mỗi tháng và mua trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD mỗi tháng, nghĩa là cắt giảm 25% quy mô chương trình mua tài sản hiện nay và dự định chấm dứt hoàn toàn việc mua tài sản vào giữa tháng 3/2022, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, với dự kiến sẽ tăng 3 đợt trong năm 2022 thì lãi suất USD cũng chỉ tăng từ mức 0-0,25%/năm hiện nay lên quanh ngưỡng 0,75-1%/năm vào cuối năm này.
Thông thường, lãi suất USD tăng sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng, nhưng lần này, nhà đầu tư vàng lại chú trọng hơn vào câu chuyện lạm phát ở Mỹ, cho phép vàng tiếp tục đảm nhận vai trò truyền thống là tài sản phòng hộ. Đồng thời, các phân tích cũng được đưa ra, sự không chắc chắn do biến thể Omicron mang lại có thể khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ trở nên ôn hòa hơn vào năm 2022 và hỗ trợ thị trường vàng. Những lo lắng về biến thể Omicron đang gia tăng tại nhiều khu vực của Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đã thúc đẩy giới đầu tư bán tháo tài sản rủi ro cao như cổ phiếu để chuyển sang tài sản an toàn hơn như vàng.
Chưa kể, trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao thì vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, dù lãi suất USD tái tăng khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo đó, trong ngắn hạn, giá vàng dự báo sẽ tăng lên, mức kháng cự ở quanh ngưỡng 1.815 USD/ounce.
Vậy trong các thời điểm giá vàng giảm sẽ là cơ hội để mua vào?
Việc giá cả hàng hóa và mức lương cùng tăng có thể thách thức Fed, khi cơ quan này cố gắng để đạt sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và hỗ trợ phục hồi số việc làm bị mất từ khi đại dịch xuất hiện. Vàng và các kim loại quý khác thường được coi là thị trường trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ kinh tế bất ổn, lạm phát cao. Trong khi đó, rủi ro trên thị trường chứng khoán có xu hướng gia tăng trước tác động của dịch bệnh, đồng thời kỳ vọng thắt chặt chính sách tài khóa của các ngân hàng trung ương đang hạn chế đà tăng của thị trường này. Do vậy, triển vọng của thị trường vàng trong thời gian tới là khá sáng sủa. Có 2 động lực chính hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng, đó là nhu cầu đầu tư và nhu cầu trang sức.
Dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, trong quý III/2021, nhu cầu đầu tư vàng giảm 7% so cùng kỳ năm trước, nhưng dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ ETF mới là yếu tố chính tác động đến giá vàng, trong khi nhu cầu vàng trang sức tăng 33%. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã mua 69 tấn vàng dự trữ, tăng mạnh so với con số 10 tấn của cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu vàng trang sức của người tiêu dùng còn tiếp tục tăng lên trong mùa lễ tết và các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn sẽ nắm giữ vàng.
Trước áp lực lạm phát Mỹ cao và nhu cầu vàng vật chất tăng lên ở Ấn Độ và Trung Quốc vào dịp cuối năm, giá vàng được dự báo sẽ có nhịp tăng vượt ngưỡng 1.875 USD/ounce để hướng tới mốc 2.000 USD/ounce trong thời gian tới. Vì thế, trong mỗi nhịp giảm là cơ hội để các nhà đầu tư mua vào.
Giá vàng thế giới dự báo tăng, nhưng thị trường vàng nội địa không liên thông với quốc tế. Theo ông, đây có phải là lý do khiến nhà đầu tư trong nước thờ ơ với vàng và chuyển sang các kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán hay bất động sản?
Thời gian qua, thị trường vàng trong nước giao dịch khá trầm lắng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì còn do không liên thông được với thị trường thế giới và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua.
Nhu cầu vàng trong nước luôn có, song sự chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước ở mức cao kỷ lục như hiện nay, lên tới gần 12 triệu đồng/lượng, sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và người dân. Tâm lý e ngại rủi ro là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động giao dịch trở nên ảm đạm.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng, thị trường bất động sản cũng dần hồi phục, việc mua vàng khi giá trong nước chênh quá cao so với thế giới cũng rủi ro. Dù vậy, nếu nhìn dài hạn, mua vàng lúc này được xem là cách tích trữ tài sản, bảo toàn vốn trước áp lực lạm phát tăng cao.