Vàng chông chênh giảm nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%, cho thấy bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung-cầu..., không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng. 
Người dân xếp hàng mua vàng tại một điểm bán của VietinBank trên đường Phố Huế, Hà Nội Người dân xếp hàng mua vàng tại một điểm bán của VietinBank trên đường Phố Huế, Hà Nội

Mua vào là lỗ

Ngày đầu tiên 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) bán vàng (ngày 3/6/2024), Tú - người Bắc Giang, sinh viên năm nhất Trường đại học Tài nguyên và Môi trường đến Agribank chi nhánh Sở Giao dịch số 2 Láng Hạ (Hà Nội) giao dịch và mua được 2 lượng vàng SJC. Do số lượng vàng mua được rất nhỏ so với kỳ vọng của gia đình và họ hàng ở Bắc Giang là 50 lượng nên cậu quyết tâm ngày hôm sau quay lại mua. Tuy nhiên, điểm bán vàng tại Agribank ngày thứ 2 lượng người xếp hàng quá đông trong thời tiết nắng gay gắt, nên cậu chuyển sang Vietcombank và mua được 5 lượng vàng SJC.

Dẫu vậy, sinh viên này phân vân: “Mua ngày hôm trước sang ngày hôm sau đã lỗ 2 triệu đồng cho 2 lượng. Em đã hỏi kỹ lại người thân xem có mua tiếp không và được báo vẫn mua nên đành đi mua tiếp, chứ em cũng thấy oải lắm rồi. Đi mua mệt mỏi là một chuyện, nhưng với thông tin phân tích của các chuyên gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, em cũng dự đoán giá vàng sẽ còn xuống nữa”.

Sáng ngày thứ 3 bán vàng, trời mưa to, sấm chớp, đường ngập… đã giảm động lực đi mua vàng của Tú. Đặc biệt, sau 10h sáng, khi được biết giá vàng tiếp tục giảm, cậu nói: “Lỗ tổng cộng 7 triệu cho 7 lượng vàng mua trong 2 ngày. Thôi, không đi đâu nữa, ở nhà ngủ và đợi mấy ngày nữa xem như thế nào”.

Câu chuyện mua vàng ngày đầu, sang ngày thứ hai đã lỗ của cậu sinh viên trên không có gì đặc biệt, bởi theo cán bộ một ngân hàng, trong ngày đầu bán vàng, mỗi điểm bán của các ngân hàng tại Hà Nội được cung ứng khoảng 100 lượng vàng SJC. Điều này có nghĩa, một lượng lớn người mua vàng đầu tư hay đầu cơ đã lỗ ngay trong ngày đầu, với người mua ít nhất 1 lượng vàng SJC thì lỗ 1 triệu đồng và mua nhiều nhất tạm thời ghi nhận tại Vietcombank là 56 lượng vàng SJC, tức lỗ 56 triệu đồng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế nói: “Rõ ràng, những người đổ xô đi mua vàng trong thời gian gần đây, đặc biệt ngay trong ngày đầu Ngân hàng Nhà nước công bố bán ra đã lỗ và xu hướng lỗ ngày càng lớn nếu tiếp tục lao vào thị trường này để đầu cơ” và phân tích, về nguyên tắc thị trường, muốn giá giảm dần thì lượng phải đủ và tăng dần. Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng đáp ứng điều này bởi là “người độc quyền”, đồng thời không thiếu ngoại tệ để nhập khẩu. Khối lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của nội địa chỉ khoảng 20-30 tấn/năm (theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới - tương đương khoảng 2,5 - 3 tỷ USD), là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam xấp xỉ 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là 100 tỷ USD.

Cũng theo ông Nghĩa, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao lại việc mua bán vàng cho các công ty vàng bạc triển khai, bởi hiện tại các công ty này đang tái cơ cấu nhằm giúp cho thị trường minh bạch hơn, giảm bớt các yếu tố đầu cơ, cuối cùng sẽ đến giai đoạn bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, trả lại nhãn hiệu vàng miếng cho SJC, sử dụng công cụ thuế để kiểm soát thị trường vàng và thị trường này sẽ là một thị trường hoạt động bình thường.

“Người dân và các nhà đầu tư trên thị trường vàng cần phải kinh doanh theo hướng giá vàng giảm dần, chênh lệch giá quốc tế và trong nước sẽ được thu hẹp lại. Chênh lệch giá vàng trên thị trường trong nước và quốc tế không còn tính tiền triệu, mà chỉ là trăm ngàn, bởi phụ thuộc chủ yếu vào mức thuế suất (trước khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 400.000-700.000 đồng/lượng)”, ông Nghĩa nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nhấn mạnh, mục tiêu của phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và quốc tế ở mức phù hợp.

“Theo đó, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần thận trọng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay”, ông Tuấn nói.

Thận trọng để giảm thiểu rủi ro

Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng.

Ông Phạm Quang Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng cá nhân theo phương án can thiệp bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức phù hợp. Vietcombank và 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác tham gia mua vàng trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan quản lý có quy định số lượng tối đa và tối thiểu của từng ngân hàng theo từng phiên.

“Trường hợp trong kho hết vàng miếng tại thời điểm khách hàng có nhu cầu mua, việc bán ra sẽ được tiếp tục thực hiện khi Vietcombank mua được vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước trong các phiên mua tiếp theo. Khách hàng có thể quay lại thực hiện giao dịch vào thời điểm khác khi Ngân hàng có đủ số lượng vàng miếng”, bà Yến nói.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh: “Các khách hàng sẽ mua được vàng bởi các ngân hàng thương mại nhà nước đã được Ngân hàng Nhà nước cung cấp đủ vàng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua vàng hợp pháp, chính đáng của người dân trên cơ sở thực hiện các quy định của Nhà nước như phòng chống rửa tiền…”.

Liên quan đến thị trường vàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu..., không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Theo Phó thống đốc, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức phù hợp, bền vững.

“Song song với biện pháp kể trên, chúng tôi cũng đang đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có)”, ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng, đạt được mục tiêu như đã nêu trên. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục