Vắng bóng doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn

0:00 / 0:00
0:00
Với 10 doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu trên sàn, tầm vóc của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên sàn còn quá nhỏ bé so với thực lực.

Đóng góp 20% GDP, nhưng quá nhỏ bé trên sàn

Là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 19% GDP năm 2019, nhưng khu vực FDI chỉ có 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, tập trung lên sàn trong giai đoạn 2003 - 2008. Đóng băng một thời gian dài, đến năm 2017, sàn chứng khoán Việt Nam mới đón thêm doanh nghiệp FDI mới là CTCP Siam Brothers Việt Nam.

Quy mô vốn hóa của 10 doanh nghiệp FDI chỉ tương đương 0,3% toàn thị trường.

Tổng quát về kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp FDI trên sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cho biết, 7/10 doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch thường xuyên có lãi qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, 3/10 doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh thua lỗ (CYC, RIC, TCR).

Thực phẩm Quốc tế (IFS) là công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng nhanh và đều với mức tăng hơn 5 lần từ năm 2016 đến năm 2019. Sau khi chững lại năm 2020, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp đồ uống này đã tăng 65% từ mức nền thấp và hiện tương đương 71% mức lợi nhuận đạt được trong 9 tháng đầu năm 2019 - khi đại dịch xảy ra.

Trái với IFS, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) lại thua lỗ liên tục 4 năm gần đây. Với khoản lỗ gần 70 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm khi các yêu cầu giãn cách xã hội tiếp tục gây khó hoạt động kinh doanh này, lỗ lũy kế của Quốc tế Hoàng Gia đã tăng lên 380 tỷ đồng, “ăn mòn” hơn 50% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Kỳ vọng trang mới

Chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một bước nhảy đáng chú ý về chất trong hơn một năm trở lại đây. Liên tục các kỷ lục được thiết lập, với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư, có 1,09 triệu tài khoản được mở mới trong 10 tháng đầu năm 2021, nâng tổng lượng tài khoản chứng khoán tăng lên tương đương 3,9% dân số.

Dẫu vậy, trong khi cơ sở nhà đầu tư được mở rộng nhanh, thì cơ sở hàng hóa trên thị trường lại tăng khá khiêm tốn, thiếu vắng sự gia nhập của doanh nghiệp mới. Ở khu vực doanh nghiệp FDI, đã 4 năm chưa đón thêm bất cứ tân binh nào.

Tuy nhiên, trong một động thái đáng chú ý gần đây, AEON đã đánh tiếng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kế hoạch này đã được “đại gia” bán lẻ Nhật Bản tuyên bố tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản hồi cuối tháng 11 vừa qua. AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014, đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Sau 7 năm, việc đưa cổ phiếu lên sàn được nhắc đến, bên cạnh kế hoạch mở rộng kinh doanh các trung tâm thương mại, cùng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản.

Khác với các công ty đại chúng, quy định hiện hành không đưa ra một yêu cầu bắt buộc nào đối với việc lên sàn của các doanh nghiệp FDI, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của doanh nghiệp. Thực tế, bên cạnh những nghĩa vụ cần thực hiện về công bố thông tin, tuân thủ quy định quản trị như một công ty đại chúng hay các rủi ro về thâu tóm và thay đổi quyền sở hữu, việc đưa cổ phiếu lên sàn mang về lợi ích lớn cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp FDI.

Điển hình ở thị trường chăn - ga - gối - đệm tại Việt Nam, ngoài Everpia với sản phẩm mang thương hiệu Everon, Mirae (VivaBon), còn có Công ty TNHH KONA - liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc với thương hiệu KORE. Cập nhật cuối năm 2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này vẫn vỏn vẹn 25,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Mirae đã tăng vốn gấp 4,3 lần; Everpia tăng vốn gấp 6 lần kể từ khi lên sàn năm 2010, lên 420 tỷ đồng.

Đưa cổ phiếu lên thị trường tập trung còn tạo thuận lợi khi cổ đông sáng lập muốn thoái vốn đầu tư. Hai năm sau khi Công ty cổ phần Mía Đường Bourbon Tây Ninh (SBT) lên sàn, Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã dễ dàng chuyển nhượng khoản đầu tư sau 15 năm rót vốn. Tập đoàn Bourbon có thể thực hiện tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, trong khi SBT đã có những bước chuyển lớn trong hoạt động kinh doanh.

Thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán thu hút thêm không ít thành viên là các công ty 100% vốn ngoại với nguồn vốn tăng thêm liên tục từ các định chế tài chính mẹ từ nước ngoài. Với sự sôi động của thị trường hiện tại cùng sức hút của cổ phiếu chứng khoán thời gian qua, việc lựa chọn lên sàn được xem là cánh cửa mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới và giúp thị trường định giá đúng giá trị doanh nghiệp.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục