Văn Phú - Invest (VPI): Hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận 2023, tăng hàng tồn kho chờ đón cơ hội phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Văn Phú - Invest (mã VPI - sàn HoSE) thực hiện 85% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 được đánh giá là tương đối tích cực trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn từ nửa cuối năm 2022 đến nay.

Những thành quả tích cực trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest cho biết doanh nghiệp kết thúc năm 2023 với doanh thu ở mức 1.877 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022, giảm nhẹ trong bối cảnh nền kinh tế không thuận lợi và tâm lý người mua nhà chờ đợi dẫn tới doanh số bán BĐS của các chủ đầu tư giảm mạnh.

Năm 2023 công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản là 1.619 tỷ trong đó chiếm tới 98% từ các dự án Vlasta - Sầm Sơn, phần còn lại của dự án The Terra - An Hưng, Grandeur Palace - Giảng Võ.

Shophouse Vlasta - Sầm Sơn đã hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động

Shophouse Vlasta - Sầm Sơn đã hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động

Song song với hoạt động phát triển kinh doanh, VPI đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, qua đó đưa giá vốn hàng bán cả năm 2023 về mức 566,4 tỷ đồng, thấp hơn 43% so với năm 2022.

Kết quả, VPI báo lợi nhuận trước và sau thuế năm 2023 lần lượt ở mức 634,8 tỷ đồng và 463,2 tỷ đồng, tương đương và giảm nhẹ so với năm 2022.

Với kết quả trên, VPI đã thực hiện 85% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được các cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Kết quả trên, theo lãnh đạo VPI, là tích cực trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn từ nửa cuối năm 2022 đến nay.

Khó khăn của thị trường BĐS bắt nguồn từ bối cảnh chung của tình hình kinh tế và BĐS thế giới, cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, phát triển và một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để về thể chế, trái phiếu, nguồn vốn và tín dụng, thực thi chính sách.

Điều này khiến sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu nguồn cung, đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Để thích ứng với những biến động của thị trường và sẵn sàng cho những cơ hội mới, lãnh đạo VPI cho biết Công ty đã cùng với đối tác tư vấn hàng đầu thế giới triển khai chiến lược 10 năm tiếp theo cho VPI (giai đoạn 2023-2032). VPI tập trung phát triển lĩnh vực kinh doanh BĐS, không mở rộng các ngành nghề. Bên cạnh lĩnh vực chính là BĐS nhà ở, công ty phát triển thêm mảng BĐS dịch vụ tạo thu nhập định kỳ. Phân khúc chính lựa chọn vào các dự án được coi là "core business" là phân khúc BĐS trung cấp tại vị trí trung tâm và vùng ven tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển. Các sản phẩm của VPI được trau chuốt từ khâu thiết kế, thi công, tiện ích đi kèm đầy đủ, pháp lý hoàn thiện và có hỗ trợ từ ngân hàng đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng.

Điển hình là các dự án The Terra Bắc Giang thực hiện mở bán từ 2023, dự án Vlasta Thủy Nguyên, Hải Phòng dự kiến mở bán quý IV/2024, dự án Vlasta Quảng Bình dự kiến mở bán 2025 và mang lại cho doanh nghiệp mức doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025.

Dự án The Terra Bắc Giang

Dự án The Terra Bắc Giang

Trong bối cảnh nhiều quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng được chỉnh sửa và thông qua, VPI cũng kỳ vọng loạt chính sách mới sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế, góp phần giúp thị trường BĐS phục hồi và phát triển bền vững hơn.

Theo đó, VPI với lợi thế về quỹ đất sạch, đầy đủ pháp lý tại các khu vực trung tâm và đô thị biển thuộc nhiều địa phương sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tốt hơn trong những năm tiếp theo, khi thị trường dần phục hồi theo hướng bền vững.

Tăng hàng tồn kho, chờ đón cơ hội phục hồi

Bên cạnh các giải pháp duy trì hoạt động ổn định của doanh nghiệp, VPI cũng đang cấu trúc cơ cấu sản phẩm theo chiến lược mới, qua đó giảm áp lực tài chính. Cụ thể, HĐQT doanh nghiệp đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn - chủ đầu tư dự án Tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta Sầm Sơn, với quy mô 25,59 ha tại Xã Quảng Hùng và xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 3.701,4 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2023, cao hơn 92,2% so với thời điểm cuối năm 2022 và tập trung chủ yếu ở các dự án The Vlasta Thủy Nguyên, The Terra Bắc Giang, dự án Song Khê - Nội Hoàng, Bắc Giang… các dự án này đang bán hàng và dự kiến bán hàng trong quý 4/2024. Hàng tồn kho của doanh nghiệp là hàng hóa sẵn sàng bán và hoàn thiện pháp lý để bán sẽ giúp bản thân doanh nghiệp sở hữu nhiều ưu thế cạnh tranh khi thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi.

Bên cạnh tồn kho các sản phẩm BĐS, VPI hiện triển khai đầu tư dự án BT Phạm Văn Đồng - Gò Dưa, thể hiện ở giá trị tài sản dở dang khoảng 2.960,3 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2023, gần như không thay đổi so với thời điểm 30/6/2023 và cuối năm 2022. Đây là dự án BT được VPI và các đối tác ký với UBND TP.HCM, dự án đang tích cực triển khai các thủ tục pháp lý để hoàn thiện thi công tuyến đường vành đai 3 song song với việc giao 4 khu đất đối ứng cho doanh nghiệp.

Về nợ vay, doanh nghiệp có xu hướng giảm nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn khi giá trị nợ tại thời điểm 31/12/2023 chỉ ở mức 1.355,9 tỷ đồng, thấp hơn 26,3% so với thời điểm 30/6/2023. Đồng thời, tăng cường các khoản vay dài hạn với giá trị nợ vay và thuê tài chính dài hạn ở mức 3.271,3 tỷ đồng, tăng 38,5% so với thời điểm 30/6/2023.

Số vốn huy động được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư vào các dự án trọng điểm sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục.

Minh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục