Văn phòng xanh “nương” theo khối ngoại

(ĐTCK) Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, việc chuyển đến các tòa nhà văn phòng có chứng nhận xanh là ưu tiên hàng đầu, thậm chí là yêu cầu bắt buộc, bởi đó là một phần trong cam kết ESG trên toàn cầu đối với các khách hàng, cổ đông của họ.
Tòa tháp Marina Central Tower của Masterise Home là tòa nhà văn phòng đạt chứng chỉ xanh của Mỹ

Văn phòng ngày càng “xanh”

Tòa nhà phức hợp Marina Central Tower nằm ở chân cầu Ba Son, số 2 đường Tôn Đức Thắng (quận 1) với chiều cao 55 tầng nổi và 5 tầng hầm vừa được cất nóc kỳ vọng sẽ tăng nguồn cung văn phòng hạng A cho thị trường văn phòng TP.HCM vào năm 2025.

Với tổng diện tích sàn trên 106.000 m2 văn phòng và trung tâm thương mại cao cấp, trong đó có đến 87.000 m2 mặt bằng văn phòng hạng A, đây được đánh giá là một trong những tòa nhà văn phòng - thương mại có quy mô lớn nhất TP.HCM khi hoàn thành. Marina Central Tower đồng thời đặt mục tiêu đạt chứng chỉ LEED Gold (chứng chỉ về tòa nhà xanh của Hội đồng Tòa nhà xanh Hoa Kỳ - U.S Green Building Council).

Đối với nhiều dự án phát triển văn phòng mới gần đây, xu hướng chủ đầu tư tập trung vào tính bền vững và các yếu tố xanh trong tòa nhà đang trở nên rõ ràng hơn. Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngoài tòa nhà phức hợp Marina Central Tower, phía chân cầu Ba Son tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có 2 tòa nhà khác là The Hallmark và The Mett được trao chứng nhận Green Mark Gold của Singapore.

Trong khi đó, bên kia bờ sông Sài Gòn ở quận 1, tòa cao ốc văn phòng The Nexus đã đạt được chứng nhận công trình xanh Edge-Certified. Cạnh đó, tòa nhà Me Linh Point với chiều cao 22 tầng cũng đạt chứng chỉ LEED Platinum - chứng chỉ cao nhất của LEED sau khi tòa nhà này được cải tạo lại.

Trong một công bố mới đây, Cushman & Wakefield cho biết, hiện có khoảng 21 tòa nhà được cấp chứng chỉ LEED/BCA Green Mark tại TP.HCM và Hà Nội, hai tiêu chuẩn chất lượng công trình hàng đầu được công nhận trên toàn cầu.

Cushman & Wakefield cho rằng, hầu hết dự án văn phòng trên thị trường Việt Nam (mới và đang hoạt động) đều đang theo đuổi hoặc đã đạt được chứng chỉ ESG, nhấn mạnh sự thay đổi trong mức độ quan tâm đến sự bền vững trong thời gian gần đây. Điều này có nghĩa là, có hàng trăm tòa nhà hiện hữu sẽ chịu áp lực phải cải tạo để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt nếu họ muốn thu hút khách thuê là các doanh nghiệp đa quốc gia lớn.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp toàn cầu đang thực hiện các cam kết Net Zero, vì vậy, bất động sản có tích hợp yếu tố ESG sẽ là điểm quan trọng giúp đáp ứng mục tiêu của họ.

“Lấy ví dụ, với một công ty dịch vụ công nghệ, ngân hàng hay công ty bảo hiểm, có tới 80-90% lượng khí thải carbon của họ có thể đến từ bất động sản. Đây là một phần lý do tại sao chúng tôi nhận thấy khách thuê đang dần chuyển ưu tiên từ tập trung vào vị trí, giá thuê và tiện nghi sang những gì tòa nhà có thể cung cấp nhằm giúp họ đạt được mục tiêu bền vững”, bà Trang nói.

Giá cả quan trọng, nhưng không phải là duy nhất

Các doanh nghiệp toàn cầu đang thực hiện các cam kết Net Zero, vì vậy, bất động sản có tích hợp yếu tố ESG sẽ là điểm quan trọng giúp đáp ứng mục tiêu của họ.

Theo giới quan sát, xu hướng văn phòng xanh đang dịch chuyển theo dòng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này vô hình trung đẩy tăng nhu cầu đối với bất động sản văn phòng tại Việt Nam.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đang gia tăng. Trong quý I/2024, chỉ số niềm tin kinh doanh từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vào nền kinh tế Việt Nam đạt 52,8 - mức cao nhất kể từ năm 2022. Điều này thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt trước những chính sách chủ động, tập trung vào nhà đầu tư và nỗ lực liên tục nâng cao sự ổn định cũng như khả năng cạnh tranh toàn cầu của thị trường.

“Dòng vốn FDI tăng trưởng và đa dạng về ngành hàng đi kèm chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục ở mức khả quan đã cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với nhiều loại hình doanh nghiệp, từ đó kéo theo nhu cầu về văn phòng càng gia tăng”, ông Matthew Powell nói.

Tuy nhiên, nhu cầu cao không phải dành cho tất cả các phân hạng văn phòng. Chuyên gia của Savills cho hay, nhu cầu hiện nay tập trung ở phân khúc văn phòng chất lượng cao, bởi khách thuê có những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với nơi làm việc. Họ cần một môi trường làm việc tốt để thu hút và giữ chân nhân tài. Vì vậy, xu hướng dần chuyển dịch sang các tòa nhà được chứng nhận xanh, với không gian chất lượng và đầy đủ tiện nghi. Do đó, các chủ đầu tư văn phòng phải theo kịp và đảm bảo cung cấp mặt bằng tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng thị hiếu chung.

“Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, việc chuyển đến các tòa nhà văn phòng có chứng nhận xanh là ưu tiên hàng đầu, thậm chí là yêu cầu bắt buộc, bởi đó là một phần trong cam kết ESG toàn cầu với các khách hàng, cổ đông của họ và cả các quy định liên quan khác”, ông Matthew Powell nói, đồng thời cho biết, đội ngũ của Savills ghi nhận sự khác biệt rõ nét giữa các tòa nhà được và chưa được chứng nhận xanh.

Đại diện Savills cho biết, các tòa nhà cũ không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh sẽ đứng trước áp lực giảm giá thuê lớn hơn khi không thể cạnh tranh với các tòa nhà có chứng nhận xanh.

“Yếu tố giá cả rõ ràng là quan trọng. Song, giống như bất kỳ thứ gì khác, nhiều người sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm chất lượng. Chẳng hạn, việc mua xe hơi, quần áo hoặc túi xách, đôi khi sự chênh lệch về giá là có thể chấp nhận đối với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn”, ông Matthew Powell nói.

Báo cáo thị trường quý I/2024 của JLL Việt Nam cũng cho thấy, trong quý I/2024, diện tích hấp thụ thuần của văn phòng hạng A khu vực trung tâm TP.HCM đạt khoảng 5.000 m2, được dẫn dắt bởi tỷ lệ hấp thụ tốt và các hợp đồng cho thuê mới đối với sàn văn phòng mới đạt chất lượng cao như The Nexus và The Mett.

Điều này cho thấy xu hướng của khách thuê bắt đầu chuyển đổi từ các tòa nhà cũ sang tòa nhà mới hơn và chất lượng cao hơn, thể hiện sự ưu tiên của khách thuê cho không gian cao cấp trong các tòa nhà đạt chứng nhận xanh. Trong khi đó, diện tích hấp thụ thuần ở khu vực ngoài trung tâm không thay đổi so với quý trước đó và không có biến động đáng chú ý.

“Trong quá khứ, rất hiếm khi chúng ta chứng kiến những giao dịch thuê mặt bằng với diện tích hơn 10.000 m2 trong thành phố. Tuy nhiên, trong quý đầu năm nay, TP.HCM có đến 3 giao dịch như vậy ở các tòa nhà văn phòng mới khai trương”, ông Leo Nguyễn - Giám đốc Chiến lược và Giải pháp cho khách thuê Knight Frank Việt Nam thông tin.

Theo chuyên gia Knight Frank Việt Nam, các toà văn phòng mới ở TP.HCM đều được lấp đầy rất nhanh thời gian qua, cho thấy nhu cầu diện tích văn phòng lớn đang tăng nhanh do các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng quy mô tại Việt Nam. Điều này đồng thời phản ánh tiềm năng kinh doanh khởi sắc và triển vọng khả quan cho thị trường bất động sản thương mại ở Việt Nam.

“Nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy nguồn cung văn phòng mới gia tăng nhanh trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng chuyển dịch chất lượng từ hạng B sang hạng A. Sự thay đổi này sẽ gây áp lực lên giá thuê, đặc biệt với các tòa nhà hiện hữu và cũ hơn ở cả 2 phân hạng”, ông Leo Nguyễn cho hay.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục